Năm 2022, Quảng Trị phân bổ 242.729 triệu đồng để thực hiện Chương trình MTQG 1719. Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương phân bổ là: 216.314 triệu đồng, nguồn ngân sách địa phương (vốn đối ứng) là: 26.415 triệu đồng. Tổng nguồn vốn chung của Chương trình MTQG 1719 được phân làm vốn đầu tư phát triển 150.630 triệu đồng, vốn sự nghiệp 65.684 triệu đồng.
Năm 2023 nguồn ngân sách Trung ương phân bổ cho Quảng Trị để thực hiện Chương trình MTQG 1719 là: 396.966 triệu đồng. Trong đó, 192.739 triệu đồng bố trí cho đầu tư phát triển, 204.227 triệu đồng là vốn sự nghiệp.
Sau khi được phân bổ nguồn vốn, cả hệ thống chính trị tại tỉnh Quảng Trị đã khẩn trương triển khai các nội dung, tiến tới giải ngân để phát huy nguồn vốn đầu tư. Riêng nguồn vốn đầu tư phát triển, các công trình đồng loạt được khởi công xây dựng. Sau hơn 2 năm thực hiện, đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có nhiều công trình hoàn công, đưa vào sử dụng.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại huyện Đa Krông (Quảng Trị) đã có ít nhất 3 công trình được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 đưa vào sử dụng. Các công trình này đã tác động tích cực vào đời sống dân sinh của đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, những công trình này cũng làm cho bộ mặt vùng đồng bào DTTS khởi sắc.
Có mặt tại thôn 5, xã Ba Lòng, công trình nước sạch tập trung do UBND huyện Đa Krông làm chủ đầu tư đã hoàn công và đưa vào sử dụng. Đây là công trình sử dụng nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719 có tổng mức đầu tư hơn 3 tỷ đồng. Công trình có tổng chiều dài đường ống hơn 4,1km, trong đó hơn 2,5km đường ống chính và 1,6 km đường ống nhánh. Trên công trình được bố trí 13 bể chứa, trong đó xây mới 6 bể và 7 bể được cải tạo từ bể cũ.
Sau nhiều tháng thị công, với nhiều hạng mục như bể chính, bể phụ, đường ống….lần lượt được hoàn thành. Đến tháng 7/2023, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, cấp nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh cho hơn 90 hộ dân, trong đó có 70 hộ hộ người Bru- Vân Kiều.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, bà Hoàng Y Lê Va, Chủ tịch UBND xã Ba Lòng (Đa Krông) cho biết: “Trước đây ở thôn 5 đã có hệ thống nước tự chảy. Tuy nhiên, do xây dựng đã lâu nên xuống cấp, về mùa khô người dân thiếu nước sinh hoạt. Được sự quan tâm của cấp trên, Chương trình MTQG 1719 đã đầu tư xây dựng công trình nước tập trung bà con rất phấn khởi. Đây là công trình rất thiết thực, có ý nghĩa dân sinh lớn”.
Từ trước tới nay, thôn Pa Tầng, xã Đa Krông, huyện Đa Krông là vùng trọng điểm thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô. Khi Chương trình MTQG 1719 triển khai, tại Pa Tầng được đầu tư một công trình nước sạch tập trung. Công trình có tổng mức đầu tư 1,5 tỷ đồng bao gồm các bể chứa, hệ thống đường ống dẫn nước…..Đến nay, công trình đang hoàn thiện những khâu cuối cùng để hoàn thành và đưa vào sử dụng. Dự kiến, công trình sẽ phục vụ đủ nhu cầu nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh cho gần 80 hộ đồng bào DTTS.
Cũng tại xã Đa Karông, công trình nâng cấp trạm y tế xã cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Với tổng mức đầu tư 700 triệu đồng từ nguồn Chương trình MTQG 1719, nhiều hạng mục như nương thoát nước, lát sân của Trạm y tế đã thi công xong. Được đầu tư sửa chữa, Trạm y tế xã trở nên khang trang sạch sẽ đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các DTTS trên địa bàn.
Tại huyện giáp biên Hướng Hóa (Quảng Trị), nhiều công trình sử dụng nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 cũng đã hoàn thành và phát huy hiệu quả trong đời sống dân sinh. Đơn cử, tuyến đường liên bản Ka Tăng - Khe Đá, thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa). Công trình có chiều dài 250m, chiều rộng mặt đường rộng 4,5 m và được đổ bê tông phẳng lỳ đã tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào đi lại, mở rộng giao thương. Công trình này được hoàn công và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2023. Hay như nhà văn hóa bản Ka Túp, thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa) cũng đã hoàn thành nâng cấp để đưa vào sử dụng vào tháng 3/2023….
Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Bá Hùng - Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) cho biết: Dù triển khai chưa lâu nhưng Chương trình MTQG 1719 đã tác động tích cực lên đời sống đồng bào ở Thị trấn. Cụ thể, về cơ sở hạ tầng đã có nhiều tuyến đường nội bản, nội thị sử dụng nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719 hoàn thành đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, trên địa bàn có 2 nhà văn hóa ở bản Ka Túp và bản Ka Tăng được đầu tư ngân cấp làm cho bộ mặt thôn bản thay đổi.
Đặc biệt, triển khai Dự án 6 của Chương trình MTQG 1719 (Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch), Thị trấn cũng đã triển khai mô hình phố đi bộ với mục tiêu quảng bá, giới thiệu những nét đặc sắc của văn hóa truyền thống của đồng bào Bru-Vân Kiều đến với du khách. Từ đó kích cầu du lịch, tạo việc làm và tăng nguồn thu cho đồng bào ở địa phương. Đồng thời, mô hình phố đi bộ cũng đã trở thành điểm nhấn ở thị trấn biên giới Lao Bảo.
Có thể nói, tại Quảng Trị, sau gần 3 năm thực hiện Chương trình MTQG 1719 đã có được những kết quả đáng khích lệ. Nhiều công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả trong đời sống dân sinh. Bộ mặt thôn bản vùng đồng bào DTTS và miền núi đang dần khởi sắc. Cùng với nguồn vốn đầu tư phát triển, nguồn vốn phát triển sự nghiệp cũng đã và đang tạo ra nhiều sinh kế để đồng bào vươn lên thoát nghèo bền vững.