Phương châm “phòng tránh” là chính
Là huyện miền núi, Đakrông có trên 70% dân số là người đồng bào DTTS sinh sống. Với địa hình đồi núi dốc, có nhiều sông suối và dân cư phân bố chủ yếu dọc theo chân núi, khe suối. Vào mùa mưa, ở địa phương thường xảy ra hiện tượng cực đoan lũ ống, lũ quét khó dự báo. Nguy cơ sạt lở đất đá từ núi cao, tràn vào khu dân cư luôn tiềm ẩn, có năm đã hiện hữu.
Mùa mưa bão năm nay, Đakrông đã có sự chủ động xây dựng các phương án, kịch bản phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Với phương châm “4 tại chỗ”, lấy “phòng tránh là chính” lương thực thực phẩm, nhân lực và phương tiện luôn sẵn sàng trực chiến.
Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN huyện yêu cầu các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch kịch bản theo phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo sát, cụ thể, phù hợp với từng địa bàn, từng cấp độ. Các xã tập trung vào phương án quản lý vùng có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, sạt lở. Lên phương án cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra tình huống. Cùng với đó, những điểm trọng yếu về thiên tai, mưa lũ cũng từng bước được đầu tư xây dựng nhằm chủ động, hạn chế thiệt hại khi thiên tai xảy ra.
Xã A Ngo là địa phương có phần đông dân số là người Bru- Vân Kiều, bà con sinh sống dọc theo sông Đakrông. Địa hình đồi dốc, tiềm ẩn nguy cơ lũ quét, chia cắt khi có mưa lũ. Để chủ động phòng chống thiên tai, hạn chế thiệt hại cho vùng đồng bào DTTS, công trình kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Đakrông, đoạn qua thôn A Rồng, xã A Ngo đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng với nguồn vốn đầu tư hơn 8,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương xã A Ngo cũng tiến hành rà soát các lực lượng, phương tiện để sẵn sàng huy động tổng lực trong tình huống mưa lũ xảy ra. Sơ đồ bão lụt đối ở các thôn, bản thường xuyên bị chia cắt, sạt lở cũng đã được lập sẵn để chủ động với từng tình huống trong “kịch bản phòng chống thiên tai” của địa phương.
Chủ động ứng phó
Tại huyện Hướng Hóa, theo thống kê toàn huyện có 1.436 nhà ở trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai. Trong đó, phần lớn là nhà của đồng bào DTTS, số lượng nhà ở có nguy cơ mất an toàn là 969 nhà. Để chủ động ứng phó và hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, địa phương đã tập trung huy động nhiều nguồn lực, để bố trí ổn định lại dân cư ở những vùng xung yếu.
Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện Hướng Hóa đã xây nhà và bố trí lại chỗ ở an toàn cho hơn 300 hộ gia đình. Trong đó, năm 2020 xây mới 93 ngôi nhà, đưa 93 hộ dân ra nơi ở mới an toàn (xã Hướng Sơn 45 hộ; Hướng Lập 29 hộ, xã Húc 19 hộ).
Cùng với đó, theo Nghị quyết 165 của Chính phủ về hỗ trợ kinh phí, khắc phục thiệt hại nặng nề về nhà ở do thiên tai gây ra trong tháng 10/2020, trên địa bàn một số địa phương miền Trung và Tây Nguyên, toàn huyện đã xây dựng mới 51 nhà ở, với tổng kinh phí 2.040 triệu đồng (mỗi nhà 40 triệu đồng) và hỗ trợ sửa chữa 28 nhà, với tổng kinh phí 280 triệu đồng. Ngoài ra, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ 380 triệu đồng để sửa chữa, xây mới 7 nhà ở cho các hộ dân có nguy cơ mất an toàn tại xã Hướng Phùng.
Không chỉ từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn lực từ các tổ chức và nhà hảo tâm cũng đã đồng hành với Hướng Hóa trong việc xây nhà tránh lũ cho đồng bào. Năm 2021, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã hỗ trợ xây dựng 37 ngôi nhà phòng, chống lụt bão tại 6 xã: Hướng Sơn (7 nhà), Thanh (8 nhà), Thuận (4 nhà), Húc (9 nhà), Hướng Lập (6 nhà), Hướng Việt (3 nhà), mỗi nhà ở có trị giá 140 triệu đồng. Việc xây dựng nhà ở đã đảm bảo cho người dân có nhà ở an toàn trước mùa mưa bão, góp phần ổn định cuộc sống cho đồng bào DTTS trong những năm tiếp theo.
Ủy ban nhân dân huyện Hướng Hóa tiếp tục triển khai 2 dự án nông thôn mới làng Cuôi - Tri và dự án tái định cư Trăng- Tà Puồng. Hai dự án này có 90 ngôi nhà tránh lũ đã và đang được triển khai xây dựng tại xã Hướng Lập, và xã Hướng Việt. Với mục tiêu di dời 90 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét đến nơi ở mới an toàn hơn. Ngoài ra, tại Hướng Lập còn xây dựng điểm trường mầm non, trường tiểu học; cung cấp hệ thống nước sinh hoạt và điện chiếu sáng; san ủi 10 ha mặt bằng tạo điều kiện cho người dân làm ruộng để đồng bào sớm ổn định nơi ở mới.
Cùng với việc bố trí lại những khu dân cư xung yếu trong lũ lụt và sạt lở đất, nhiều công trình giao thông, thủy lợi cũng được triển khai xây dựng nhằm chủ động ứng phó với thiên tai. Công tác tuyên truyền đến đồng bào về cách phòng chống thiên tai, được đẩy mạnh ngay từ đầu mùa.
Ông Đăng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện- Trưởng ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Hướng Hóa chia sẻ: “Trước mùa mưa báo, địa phương đã tăng chủ động triển khai các phương án phòng chống nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cảnh báo về tình hình, diễn biến thiên tai, nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về phòng chống thiên tai, nhất là hiện tượng thiên tai bất thường. Thực hiện phòng chống thiên tai theo 3 giai đoạn “Phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả”, bám sát phương châm 4 tại chỗ”.
Với sự vào cuộc quyết liệt triển khai kế hoạch phòng chống thiên tai của 2 địa phương Đakrông và Hướng Hóa, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống; sự chủ động phòng tránh thiên tai của chính đồng bào, mong rằng mùa mưa bão tới, vùng đồng bào DTTS ở Quảng Trị được bình an.