Gia đình anh Lò Văn Hềm ở bản Hợp 2, xã Bản Lang là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề trong đợt mưa đá, gió lốc vào tháng 4/2020. Gió lốc đã cuốn bay gần như toàn bộ mái nhà của gia đình anh Hềm; thiệt hại hàng chục triệu đồng. Rút kinh nghiệm, thời gian gần đây, mỗi khi chuẩn bị đến mùa mưa bão anh Hềm đã chủ động chằng buộc, gia cố lại toàn bộ nhà cửa.
“Mấy hôm nay gia đình đi chặt tre, mua thêm dây thép về nhờ anh em họ hàng đến để giúp gia cố lại nhà cửa. Tránh như đợt mưa đá, gió lốc mấy năm trước gia đình bị thiệt hại nhiều quá”, anh Hềm cho biết.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, trước mùa mưa ở Lai Châu, thời tiết thường diễn biến phức tạp, mưa đá và gió lốc gây thiệt hại lớn đến tài sản và hoa màu của Nhân dân. Trong đó, huyện Phong Thổ là địa phương, thường chịu nhiều xảy ra mưa đá, gió lốc trên diện rộng làm tốc mái hàng trăm ngôi nhà và hàng chục héc ta hoa màu mỗi năm.
Ông Vương Thế Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: Bên cạnh việc tập trung rà soát, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra; thời gian qua, UBND huyện chỉ đạo các ban ngành, các xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động các biện pháp phòng, chống giảm nhẹ thiệt hại thiên tai ngay tại chính mỗi gia đình.
Huyện Phong Thổ có địa hình đồi núi dốc, cao; tỷ lệ che phủ rừng ở mức thấp. Nhất là các xã biên giới của huyện: Sì Lở Lầu, Dào San… nằm ở độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển; thường xuyên có gió lốc, lũ ống, lũ quét xảy ra. Quan điểm phòng chống thiên tai của huyện và các xã thực hiện theo phương châm “lấy phòng tránh là chính - cứu nạn khẩn trương - khắc phục kịp thời”.
Khi có gió lốc, mưa lũ xảy ra thực hiện tốt 4 tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ - lực lượng tại chỗ - vật tư thiết bị tại chỗ - hậu cần tại chỗ”. Trong đó, tập trung thành lập các đội xung kích, chuẩn bị sẵn các nhu yếu phẩm, phương tiện tham gia hỗ trợ Nhân dân bị ảnh hưởng thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Theo dự báo, mùa mưa năm nay thời tiết tương đối khắc nghiệt, diễn biến bất thường nên thời gian qua, huyện Phong Thổ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác thường trực phòng chống thiên tai. Huyện cũng đã thành lập và kiện toàn ban chỉ đạo, tăng cường công tác chỉ đạo các xã thị trấn dự báo, dự tính những khu vực có nguy cơ ảnh hưởng do thiên tai, mưa đá, gió lốc để thông tin, tuyên truyền cho bà con Nhân dân cảnh giác; xây dựng những phương án dự phòng khi có tình huống xảy ra trên địa bàn để ứng phó kịp thời...
Hy vọng, với sự chủ động trong công tác phòng chống thiên tai của cấp ủy, chính quyền và người dân, những thiệt hại do thiên tai, mưa lũ gây ra trên địa bàn Phong Thổ sẽ được giảm thiểu, góp phần giúp Nhân dân ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.