Hiểm họa đã báo trước
Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã có gần 150 cây cầu dân sinh, trong đó có hàng chục cầu đang trong tình trạng xuống cấp, có cầu xuống cấp đến mức báo động. Điều này, đang tạo ra nỗi bất an cho người dân và phương tiện khi lưu thông qua cầu. Bên cạnh đó, tình trạng cầu dân sinh xuống cấp còn tạo ra rào cản đến lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Được xây dựng từ năm 1978, cầu Trâm Lý có chiều dài 60m, rộng 3,2m bắc qua Sông Nhùng, nối giữa 2 xã Hải Quy và Hải Phú (Hải Lăng). Phương tiện qua lại nhiều, cộng thêm ảnh hưởng của thời tiết thiên tai, nên đến nay cầu Trâm Lý đã xuống cấp trầm trọng. Dầm cầu bằng sắt đã hoen rỉ, đứt gãy hai đầu, bề mặt cầu bị nứt rộng, thành cầu làm bằng bê tông bị vỡ, gãy, nhiều đoạn không còn thanh chắn. Điều này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất lớn, nhất là khi người dân qua lại cầu vào ban đêm. Nỗi lo, hiểm nguy càng gia tăng, khi vào mùa mưa lũ, thời tiết diễn biến bất thường.
Trao đổi với phóng viên báo Dân tộc và Phát triển, ông Lê Đức Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết: “Tình trạng cầu dân sinh trên địa bàn huyện xuống cấp rất nhiều, trong đó có 5 cầu đã hư hỏng nặng”.
Tại xã Hải Phong, cầu Câu Nhi bắc qua sông Ô Giang, là điểm nối quan trọng trên tuyến đường từ Quốc lộ 1 với các xã Hải Sơn, Hải Phong. Hơn 35 năm sử dụng, cây cầu đã “hết tuổi thọ”, nhưng hiện tại vẫn phải gánh hàng ngàn lượt phương tiện lưu thông qua cầu mỗi ngày, trong đó có nhiều phương tiện trọng tải lớn.
Theo quan sát, dầm cầu bằng thép hiện đang bị hoen rỉ, mặt cầu rạn nứt. Đặc biệt, lan can cầu bằng sắt hiện đã bị rỉ sét, rơi rụng, đứt gãy nghiêm trọng, giảm khả năng bảo vệ, tiềm ẩn nguy hiểm với người đi đường.
Không riêng gì huyện Hải Lăng, tình trạng cầu dân sinh xuống cấp ở huyện Vĩnh Linh cũng đang là thực trạng đáng báo động. Đơn cử như cầu Bắc Phú (xã Vĩnh Chấp), được xây dựng từ những năm 1980, qua quá trình vận hành và tác động của thiên tai, đến nay cầu đã xuống cấp nghiêm trọng; cầu Trạm nằm trên địa phận xã Vĩnh Chấp được xây dựng năm 1977… là những cây cầu dân sinh điển hình cho tình trạng xuống cấp.
Cần có phương án khắc phục
Cầu dân sinh ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xuống cấp đến mức báo động. Thiết nghĩ chính quyền địa phương cần phải có những giải pháp kịp thời, để hạn chế tối đa những thiệt hại cho người dân, bảo đảm giao thông được thông suốt.
Trước mắt, để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn, nhất là trước mùa mưa bão, cần tập trung khắc phục các điểm xung yếu ở những điểm cầu đã xuống cấp. Có giải pháp cụ thể trong việc quản lý, sử dụng cầu như ngăn chặn triệt để xe quá khổ, quá tải. Tăng cường tuyên truyền để người dân cẩn trọng khi lưu thông qua cầu, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Đồng thời, tiếp tục kêu gọi, huy động nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án để từng bước đầu tư nâng cấp các cây cầu đang bị hư hỏng nặng, phục vụ nhu cầu giao thương của người dân.
Bên cạnh đó, cần phải có khảo sát cụ thể về số lượng, tình trạng xuống cấp, để có phương án ưu tiên vốn đầu tư xây dựng đúng mục tiêu. Trong lúc chờ phương án khắc phục, sữa chữa, nên cắm biển cảnh báo, hạn chế trọng tải… để Nhân dân và người đi đường nắm, tránh rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.
Đối với những cầu dân sinh có lưu lượng phương tiện qua lại nhiều, hư hại nặng, cần ưu tiên nguồn vốn để đầu tư xây mới để bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng, ông Lê Đức Thịnh cho biết, hằng năm UBND huyện cũng đều chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng hư hỏng và xây dựng phương án nâng cấp, sửa chữa cầu dân sinh. Đối với những điểm trọng yếu chưa có điều kiện sửa chữa, thì tiến hàng cắm biển cảnh báo để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện lưu thông.
Cầu dân sinh xuống cấp đang là nỗi ám ảnh, bất an đối với người và phương tiện tham gia giao thông mỗi khi qua những cây cầu dân sinh. Bởi, sự việc sập cầu đã từng xảy ra cầu Kênh nối 2 thôn An Bình và Tân Định (xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) bất ngờ bị gãy rồi sập xuống suối, vào khoảng 21h30 ngày 6/5/2020; Rất may vào ban đêm nên người dân không bị thiệt hại...,Sự việc này là hồi chuông cảnh báo cho chính quyền địa phương ở tỉnh Quảng Trị. Nếu không có kế hoạch khảo sát và tiến hành sửa chữa, nâng cấp, đầu tư làm mới cầu dân sinh, rất có thể sự việc sập cầu dân sinh sẽ tái diễn, gây nguy hiểm cho người đi đường.