Cứ đến mùa mưa bão, chiếc cầu phao bắc qua sông Mã ở xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) lại trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Giữa mênh mông nước, chiếc cầu phao đã xuống cấp nổi dập dềnh, khi bước chân lên cầu, cảm giác sự nguy hiểm chỉ cách mình trong gang tấc. Nếu không cẩn thận, người đi trên cầu phao có thể rơi xuống sông bất cứ lúc nào.
Tại thôn Tiên Lăng, xã Cẩm Vân nơi có dòng sông Mã chảy qua, trước đây người dân muốn sang sông phải đi đò, phà để đến được xã Cẩm Tân. 30 năm trước, chính quyền và người dân địa phương cùng góp sức để dựng nên chiếc cầu phao này, phục vụ việc giao thương thuận tiện hơn. Cầu chỉ rộng khoảng 3 - 4m, dài 240m, được nối bởi các nhịp phao đã hoen rỉ. Mặt sàn của cầu là các then gỗ, các tấm tôn kim loại được xếp đặt lộn xộn. Gỗ bị mục và cầu cũng không có lan can, mỗi khi có người đi qua, cây cầu rung lắc mạnh.
Ông Lê Công Cảnh, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vân, cho biết, xã đã từng phải chi ra khoảng 50 triệu đồng để duy tu cầu, nhưng chỉ là khắc phục nhỏ, tạm thời. Về lâu dài, người dân và chính quyền mong muốn sớm có một cây cầu kiên cố.
Tại khu vực này, lưu lượng người qua lại đông đúc, chủ yếu là học sinh và người dân đi buôn bán, làm việc, có hàng nghìn lượt người qua lại trong ngày. Trong đó, có 300 học sinh Trường THPT Cẩm Thủy 2, hơn 500 lao động làm việc tại các nhà máy may khu vực huyện Vĩnh Lộc, và nhiều hộ dân ở các thôn Tiên Lăng, thôn Đồi Trông, thôn Quan Phát phải qua sông để canh tác trên diện tích 100ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc khu vực phía Bắc sông Mã. Dù biết nguy hiểm, nhưng đây là con đường gần nhất để lưu thông, nên người dân không còn cách nào khác.
"Mùa khô nước sông xuống thấp thì không sao, nhưng đến mùa mưa bão, lũ dâng cao, không ai có thể đi lại được. Chúng tôi lại bị cô lập, học sinh phải nghỉ học. Năm nào cũng có người gặp nạn khi qua cây cầu này. Năm 2019, cây cầu đã cướp đi sinh mạng của 2 mẹ con khi qua sông", một người dân địa phương cho biết.
Ông Nguyễn Văn Trường, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Vân cho biết, 1 năm bà con đi bằng cầu phao cũ được 7 tháng vì nước sông cạn, còn 5 tháng phải đi đò, do nước sông Mã dâng cao. Nếu trong mùa mưa lũ, bà con muốn sang sông phải đi lên trung tâm huyện Cẩm Thủy xa hơn 30km hoặc đi xuống huyện Yên Định thì xa hơn 40km, nên việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn.
Còn theo ông Nguyễn Tiến Lực, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy, vì không có cầu nên 7 xã phía Nam của huyện Cẩm Thủy tốc độ phát triển kinh tệ chậm, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn.
"Trong các buổi tiếp xúc cử tri, người dân kiến nghị xây cầu mới. Chúng tôi cũng liên tục có văn bản xin cấp trên quan tâm, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện", ông Lực nói
Được biết, năm 2009 UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận phê duyệt dự án xây cầu cho huyện Cẩm Thủy; giao sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, song đến nay dự án vẫn chưa được triển khai.