Mới đây, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 42/QĐ-UBND, ngày 16/8/2021 về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Cụ thể, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh phải nghỉ việc, mất việc làm (do phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa hoặc phải dừng, tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021), được nhận mức hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày, tối đa 3.700.000 đồng/người.
Ngoài ra, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo Quốc gia và chuẩn nghèo của tỉnh), bảo đảm các điều kiện sau: Thuộc danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Kết quả điều tra, rà soát đến cuối năm 2020 và hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh trong năm 2021; không thuộc diện đang hưởng chế độ trợ cấp người có công, trợ cấp bảo trợ xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng khác và bảo hiểm xã hội theo các chính sách hiện hành của Trung ương và của tỉnh được hỗ trợ 1 lần, mức 1.500.000 đồng/người trong đợt này.
Là hộ cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn, ông Đinh Văn Lớp, sinh năm 1960, dân tộc Tày ở thôn 1, xã Dân Chủ, TP. Hạ Long chia sẻ, hai vợ chồng ông không có việc làm ổn định. Ai thuê gì thì làm để kiếm tiền cơm cháo qua ngày. Hai năm nay, dịch Covid-19 ập đến, tình hình kinh tế khó khăn, nên không có ai thuê ông bà. Cuộc sống sinh hoạt của gia đình ông Lớp rất vất vả. Vừa qua, gia đình ông cũng được hỗ trợ 3 triệu đồng để tạm ổn định cuộc sống.
Tương tự, bà Vũ Thị Lan, 74 tuổi, thuộc diện hộ nghèo ở Tổ 1 Khu 6, phường Đại Yên, TP. Hạ Long một mình nuôi 3 cháu mồ côi; trong đó, có 1 cháu mồ côi cả cha và mẹ, cũng nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền. Theo đó, 2 cháu của bà Lan được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/cháu. Bà Lan cho biết, với bà và các cháu, số tiền hỗ trợ này rất ý nghĩa, kịp thời, nếu không có thì bà cũng chưa biết phải xoay xở ra sao. Chuẩn bị vào năm học mới rồi, số tiền này bà Lan để mua sách vở, đồng phục cho các cháu…
Được biết, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan, tích cực hướng dẫn các đối tượng thụ hưởng làm hồ sơ bảo đảm công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lợi dụng, trục lợi chính sách. Tinh thần đơn giản hóa, rút ngắn thời gian làm thủ tục để người lao động, chủ sử dụng lao động tiếp cận gói hỗ trợ sớm nhất mà vẫn phải đúng luật.
Tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh đã hỗ trợ cho hơn 207.000 người lao động và trên 5.000 cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, với số tiền trên 29 tỷ đồng./.