Chú trọng hỗ trợ lao động tự do
Xác định một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất từ dịch Covid-19, chính là lao động tự do, thời gian qua các địa phương đã chú trọng hỗ trợ nhóm đối tượng này.
Chị Hoàng Thị Sứ, dân tộc Tày, ở thị trấn Na Hang, huyện Na Hang (Tuyên Quang) xúc động cho biết, trước đây gia đình chị có nghề làm đậu. Tuy nhiên, trong thời kỳ dịch diễn biến phức tạp, vợ chồng chị tiếp xúc với trường hợp F0 và phải thực hiện cách ly tập trung dài ngày, cuộc sống càng khó khăn do không có thu nhập.
Sau khi hoàn thành cách ly trở về nhà, vừa qua, vợ chồng chị được nhận hỗ trợ kịp thời với số tiền 3.360.000 đồng. Đây thực sự là sự động viên lớn giúp gia đình chị vượt qua khó khăn trước mắt để ổn định cuộc sống.
Theo ông Nguyễn Quốc Luân, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Na Hang, đến nay, huyện đã tiến hành rà soát và lập hồ sơ các trường hợp người lao động thuộc diện được hỗ trợ trong đợt này. Qua rà soát, thẩm định có 139 trường hợp đủ điều kiện được đề nghị hỗ trợ, với kinh phí trên 387 triệu đồng. Ngay sau khi có quyết định của UBND tỉnh, huyện sẽ triển khai hỗ trợ cho người dân, không để người dân phải đợi lâu.
Không riêng ở Tuyên Quang, các địa phương khác cũng đang nhanh chóng tiến hành hỗ trợ lao động tự do. Cụ thể, ngày 30/7 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn ký ban hành Quyết định 1517/QĐ-UBND về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên địa bàn.
Tại Quyết định nêu rõ, lao động tự do bị mất việc làm từ 15 ngày liên tục trở lên như: Người bán hàng rong, xe ôm, bốc vác thủ công, thu mua phế liệu… sẽ được nhận hỗ trợ. Mức hỗ trợ là 1.500.000 đồng/người. Nguyên tắc hỗ trợ tại Quyết định cũng nêu rõ, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không trùng lặp, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
Hỗ trợ lĩnh vực thiết yếu
Bên cạnh việc khẩn trương hỗ trợ lao động tự do, Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm người dân trong vùng bị cách ly. Theo đó, Chính phủ chú trọng giải pháp hỗ trợ giảm dịch vụ thiết yếu nhất là điện và nước sinh hoạt.
Cụ thể, ngày 31/7, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 83, thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện cho các khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo Nghị quyết 83, đối tượng được giảm tiền điện đợt này, là các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Mức giảm 15% (trước thuế VAT) đối với khách hàng sử dụng đến 200 kWh/tháng; giảm 10% đối với khách hàng sử dụng trên 200 kWh/tháng. Thời gian hỗ trợ giảm trong 2 tháng tại các kỳ hóa đơn tháng 8 và tháng 9/2021. Đặc biệt, giảm 100% tiền điện cho các cơ sở cách ly y tế tập trung phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đây là đợt thứ 4, Chính phủ yêu cầu giảm giá tiền điện để hỗ trợ người dân kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19. Dự tính, trong đợt này tổng số tiền giảm khoảng 2.500 tỷ đồng. Tính chung 4 đợt, tổng số tiền hơn 16.300 tỷ đồng.
Ngay sau chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu giảm tiền điện cho người dân tại các khu vực giãn cách xã hội, đến sáng 1/8, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc xem xét, điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xem xét, điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt, tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là tại các tỉnh, thành phố, các quận, huyện đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Có thể nói với những giải pháp nhanh chóng, linh hoạt, minh bạch, chính xác hy vọng sự hỗ trợ của Chính phủ sẽ đạt hiệu quả cao nhất. Sự hỗ trợ của Chính phủ có thể gọi là liều "vắc xin vì dân" để tăng thêm sức đề kháng, giúp đất nước ta vượt qua đại dịch./.
(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)