Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Quảng Ninh: Thắp niềm tin từ những lớp học xóa mù chữ

Mỹ Dung - 2 giờ trước

Từ chỗ không biết viết ngay cả tên mình, đến nay không ít người dân vùng DTTS đã đọc được sách báo, ghi họ tên mình khi thực hiện các thủ tục hành chính... Điều này đã minh chứng rõ nhất về hiệu quả của các lớp học xóa mù chữ cho người trên 16 tuổi tại các thôn, bản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Để thuận lợi cho người dân theo học, vào các buổi tối, các thầy cô ở vùng cao Bình Liêu vẫn nhiệt tình dạy chữ
Để thuận lợi cho người dân theo học, vào các buổi tối, các thầy cô ở vùng cao Bình Liêu vẫn nhiệt tình dạy chữ

Huyện Bình Liêu là địa phương có tỷ lệ mù chữ cao nhất tỉnh Quảng Ninh. Thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị về “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục TH&THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn”, thời gian qua, công tác xóa mù chữ cho người dân được huyện đặc biệt quan tâm.

Đều đặn từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần, sau những giờ lên nương rẫy, tối đến, bà con ở các thôn, bản vùng cao Bình Liêu lại rủ nhau đến nhà văn hóa để học con chữ. “Ánh sáng” từ chủ trương của Đảng, từ những lớp học đặc biệt mà thầy cô đã miệt mài gieo chữ trên rẻo cao nơi đây, đã và đang giúp bà con đọc thông, viết thạo, thắp lên cơ hội thay đổi cuộc sống mới.

Khi được hỏi về việc tham gia lớp học xóa mù chữ, chị Sùng Thị Sâu (48 tuổi), dân tộc Mông, thôn Mả Cáu, xã Lục Hồn hào hứng chia sẻ: “May quá tham gia lớp xóa mù chữ! Biết chữ thì viết và ký được tên mình này, mà kể cả học nghề cũng đâu chỉ nhìn và nghe, mà phải đọc thông viết thạo mới học nhanh được ấy chứ. Tôi cũng đang tham gia học lớp đào tạo du lịch để sau tìm việc làm thuê tại các homestay ấy chứ”.

Cùng suy nghĩ như thế, chị Lý Thị Niềng, dân tộc Sán Dìu, xã Điền Xá (Tiên Yên) thật thà kể, trước kia việc tính toán đối với chị chỉ là tính nhẩm những phép tính đơn giản để phục vụ trong cuộc sống hằng ngày như mua mớ rau, cái áo, cái quần, bán nông sản vừa thu hoạch... Nhưng sau khi hoàn thành lớp học xóa mù chữ, cuộc sống của chị như được "sang trang mới". Nhờ biết chữ, chị đã chủ động tìm hiểu thông tin, tham gia lớp tập huấn ghi chép đầy đủ cách gieo trồng, chăn nuôi hiệu quả, rồi chị mạnh dạn mua giống cây trồng và áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nên chất lượng, năng suất cây trồng, vật nuôi đều tăng, nhờ đó, gia đình chị có thu nhập cao hơn hẳn.

Các học viên tham gia lớp học xóa mù chữ tổ chức tại xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ
Các học viên tham gia lớp học xóa mù chữ tổ chức tại xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ

Tại huyện Ba Chẽ, cuộc sống khó khăn, quanh năm lam lũ với nương rẫy nên 46 tuổi, chị Phùn Thị Cứu, thôn Nam Hả Trong, xã Nam Sơn vẫn không biết đọc, biết viết. Thế rồi, chị tham gia lớp xóa mù chữ do huyện tổ chức.

“Tôi tham gia lớp xóa mù chữ được hơn 3 tháng mà học gần hết một quyển sách rồi. Giờ đọc trôi chảy, viết được rồi! Nhiều khi có việc gấp đâu nhờ kịp con cái, kể như đọc tin nhắn hoặc chuyển khoản...;Giờ biết nhiều chữ rồi, tôi thấy thuận lợi hơn rất nhiều, không bị phụ thuộc vào người khác”.

Theo bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng phòng Giáo dục huyện Ba Chẽ cho biết, năm 2024, học viên tham gia các lớp xóa mù học viên tích cực hơn rất nhiều. Đặc biệt, với những xã còn ít người mù chữ, thì giáo viên còn thực hiện việc giao bài, hướng dẫn trực tiếp kết hợp với đoàn thanh niên, con cháu trong gia đình hỗ trợ thêm ngay tại nhà.

“Theo mục tiêu chung của tỉnh Quảng Ninh, huyện cố gắng giảm thiểu tối đa nhất số lượng người mù chữ trên địa bàn. Do vậy, thời gian qua, cùng với việc tích cực vận động người trong độ tuổi từ 15-60 tham gia học các lớp học xóa mù chữ; giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, Phòng chỉ đạo các trường cử các giáo viên có năng lực, nhiệt huyết dạy lớp xóa mù chữ vào các buổi tối trong tuần”, bà Oanh nhấn mạnh.

Nhiều học viên tại các lớp xóa mù chữ đã đọc thông viết thạo
Nhiều học viên tại các lớp xóa mù chữ đã đọc thông viết thạo

Cho đến nay, Quảng Ninh đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, 100% đơn vị cấp huyện và 99,43% đơn vị cấp xã đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2, số người từ 15 đến 60 tuổi biết chữ mức độ 1 là 99,68%, biết chữ mức độ 2 là 99,25%.

Có thể thấy, việc mở lớp xóa mù có có ý nghĩa quan trọng, mở ra cơ hội cho đồng bào DTTS nơi đây, góp phần nâng cao trình độ dân trí, xóa nghèo bền vững; đồng thời tạo thuận lợi trong việc triển khai những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với bà con; người dân cũng áp dụng tốt hơn các kiến thức khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, mang lại thu nhập cao.

Tin cùng chuyên mục
Tổ chức dạy học linh hoạt cho học sinh tại vùng ảnh hưởng bởi bão, lũ

Tổ chức dạy học linh hoạt cho học sinh tại vùng ảnh hưởng bởi bão, lũ

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các nhà trường tại những vùng bị ảnh hưởng bởi bão, lũ thực hiện giải pháp dạy học linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn để bảo đảm tiến độ thực hiện chương trình theo khung thời gian năm học, không gây áp lực, quá tải cho giáo viên và học sinh.