Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Quảng Ninh: Nguy cơ gia tăng một số bệnh truyền nhiễm sau bão, lũ

Mỹ Dung - 6 giờ trước

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, ngoài thiệt hại nặng nề về kinh tế, Quảng Ninh cũng gia tăng nguy cơ một số bệnh truyền nhiễm, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS. Xác định nguy cơ cao về dịch bệnh, các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã đặc biệt quan tâm, đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sau bão, quán triệt từ huyện đến thôn, bản và người dân địa phương.

Nguy cơ gia tăng các bệnh lây nhiễm

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Khoa Bệnh nhiệt đới của đơn vị có sự gia tăng bệnh nhân nhập viện điều trị, liên quan đến bệnh Whitmore do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei (vi khuẩn ăn thịt người) và sốt xuất huyết, cúm, bệnh nhiễm trùng da, các bệnh đường tiêu hóa…

Bệnh nhân P.V.K, phường Hà Khánh (TP Hạ Long) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, sốt cao kéo dài nhiều ngày không dứt. Bệnh nhân cho biết, bão số 3 khiến nơi ở của gia đình bị ngập nước kèm bùn bẩn, sình lầy nên anh phải dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, khu vực sống nhiều ngày trước. 

Sau đó, anh K bắt đầu xuất hiện sốt cao liên tục, mệt mỏi, uống hạ sốt không thuyên giảm nên nhập viện điều trị. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị bệnh Whitmore do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei. Whitmore là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn tồn tại trong nước và đất bị ô nhiễm gây ra. Bệnh nhân đã được các bác sĩ theo dõi, điều trị tích cực và sức khỏe đã ổn định.

Bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đang khám, kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân bị bệnh Whitmore
Bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đang khám, kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân bị bệnh Whitmore

Sau đợt mưa lũ dài ngày vừa qua, môi trường ở nhiều nơi bị ô nhiễm nặng nề, bởi các chất thải sinh hoạt và công nghiệp, rác thải thối rữa. Đây là điều kiện cho các tác nhân vi sinh vật gây bệnh phát triển và gây bệnh cho người. 

Anh Triệu Văn Tuấn, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ chia sẻ: “Được tuyên rõ những nguy cơ lây bệnh, đặc biệt là sau bão, lụt nên ngay sau cơn bão số 3, tôi và gia đình cùng mọi người tập trung khắc phục thiệt hại, dọn dẹp vệ sinh, không để những bãi rác chồng chất dễ ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho vi khuẩn lây bệnh”.

Chủ động công tác phòng, chống

Để phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Trung tâm y tế tuyến các huyện, trạm y tế tuyến xã tiến hành phun hóa chất để khử khuẩn môi trường tại các vùng ngập úng sau khi nước rút.

Toàn tỉnh đã thực hiện phun khử khuẩn hóa chất Cloramin B với diện tích hơn 170.000m2. Các đơn vị y tế địa phương cũng tăng cường kiểm tra vệ sinh chất lượng nước tại hộ dân và hướng dẫn xử lý nước bị ô nhiễm. Theo đó, đã hỗ trợ xử lý nước bằng hóa chất theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho 1.400 hộ dân trong toàn tỉnh.

Ông Đoàn Ngọc Thanh, Giám đốc Ttrung tâm y tế Ba Chẽ cho biết: “Chúng tôi đã chủ động phun hóa chất Cloramin B khử khuẩn phòng, chống dịch bệnh các khu vực bị ngập lụt. Cùng với đó, tích cực hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường tại khu vực sinh sống. Cho đến thời điểm này trên địa bàn không có ca bị nhiễm bệnh”.

Phun hóa chất Cloramin B khử khuẩn phòng, chống dịch bệnh các khu vực bị ngập lụt tại Ba Chẽ
Phun hóa chất Cloramin B khử khuẩn phòng, chống dịch bệnh các khu vực bị ngập lụt tại Ba Chẽ

Bên cạnh đó, các đơn vị y tế thường xuyên giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa lũ và ngập lụt, như: Tiêu chảy, đau mắt đỏ, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa.

Theo thống kê của CDC Quảng Ninh, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 140 ca mắc sốt xuất huyết, chưa ghi nhận trường hợp sốt xuất huyết nặng, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Tất cả các ca mắc sốt xuất huyết đều được giám sát và triển khai biện pháp xử lý, không để dịch lây lan. 

Cùng với đó, các địa phương đã chủ động truyền thông về biện pháp phòng chống sốt xuất huyết bằng nhiều hình thức: chủ động giám sát véc tơ và triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy và thực hiện phun hóa chất, kiểm soát mật độ muỗi tại những khu vực có nguy cơ cao, các khu vực có mật độ muỗi cao trên ngưỡng gây dịch để xử lý kịp thời.

“Do mưa bão nên tại một số địa phương đặc biệt vùng sâu, vùng xa không sử dụng nước máy, người dân cần quan tâm đến việc khử khuẩn và kiểm soát nguồn nước theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đảm bảo tiêm phòng theo đúng lứa tuổi; khi có nghi ngờ các bệnh truyền nhiễm cần đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời”, bà Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh.