Ngay khi có thông tin về ca bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện Vân Đồn (ngày 28/1/2021), toàn tỉnh Quảng Ninh đã kích hoạt hệ thống cảnh báo, phòng chống dịch ở mức cao nhất, trong đó,đặc biệt chú trọng khu vực biên giới, đường mòn, lối mở, các cánh gà, cửa khẩu.
Những ngày này, ông Phàn Tắc Quay, Người có uy tín xóm Lục Chắn, xã Hải Sơn, TP. Móng Cái dường như bận rộn hơn. Ngoài việc nhà, ông còn thường xuyên đến các hộ dân trong bản nắm tình hình chuẩn bị Tết Nguyên đán của bà con. Rồi lại cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn tuần tra biên giới, bảo vệ đường biên, cột mốc.
Ông Quay kể: Có hôm, tôi đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về đến nhà. Vừa đi tuần tra biên giới, chống xuất nhập cảnh trái phép, vừa xuống bản tuyên truyền, vận động bà con chủ động nâng cao các biện pháp phòng chống dịch, như rửa tay, sát khuẩn, đeo khẩu trang, kịp thời nắm bắt và cung cấp thông tin cho trưởng bản, bộ đội biên phòng về những trường hợp nghi xuất nhập cảnh trái phép để có biện pháp xử lý, giải quyết.
Với những nỗ lực cá nhân của ông Quay và dân xóm Lục Chắn, kể từ khi dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát đến nay, toàn xóm không có cư dân xuất cảnh trái phép. Những trường hợp nghi nhập cảnh trái phép đều được báo cho Đồn Biên phòng Pò Hèn và chính quyền xã Hải Sơn xử lý theo quy định của pháp luật.
“Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới xã Hải Sơn cơ bản ổn định. Đồng bào các dân tộc chủ động nâng cao các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không lơ là, mất cảnh giác, bảo đảm đón Tết vui Xuân an toàn”, ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Hải Sơn, TP. Móng Cái nhận định.
Ở xóm Ngàn Phe, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, hơn 40 năm nay, ông Voòng Phúc Niệp, Người có uy tín tiêu biểu của huyện Bình Liêu vẫn cần mẫn với nhiệm vụ bảo vệ đường biên, cột mốc. Năm nay, bước vào tuổi 64, bước chân của người đàn ông dân tộc Dao này đã in đậm trên vùng biên cương Bình Liêu, minh chứng về ý chí trường kỳ trong việc bảo vệ an ninh biên giới, bảo vệ đường biên, cột mốc.
“Một phần vì trách nhiệm, một phần khác là vì sự gắn bó, tình yêu mảnh đất biên ải quê hương nơi sinh ra, lớn lên”, ông Niệp chia sẻ lý do. Trong quãng thời gian tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, đã có hằng trăm tin tức có giá trị liên quan đến an ninh trật tự khu vực biên giới được ông Voòng Phúc Niệp cung cấp cho Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô.
Đặc biệt, từ khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, cá nhân ông đã thường xuyên cùng cán bộ, chiến sĩ BĐBP xuống bản tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS trong xóm chủ động nâng cao các biện pháp phòng chống dịch bệnh, cam kết không tiếp tay cho việc xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.
Với 2 mốc giới, hàng chục km đường biên giới, nhiều đường mòn, lối mở, nhưng với tai mắt là quần chúng Nhân dân và cá nhân tiêu biểu là ông Voòng Phúc Niệp, tuyến biên giới Bình Liêu luôn được bảo đảm an ninh, bình yên; đồng thời là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước từ nhiều năm nay.
Ông Quay, ông Niệp là hai tấm gương tiêu biểu, đại diện cho hơn 500 Người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã và đang ngày đêm đóng góp công sức, mồ hôi của mình cho an ninh biên giới, bảo vệ, giữ gìn từng tấc đất quê hương và phòng chống dịch Covid-19.
“Họ xứng đáng là những “cột mốc sống”; những “chiến sĩ không quân hàm” trong công cuộc bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh biên giới, trở thành cánh tay nối dài giữa Đảng, Nhà nước, bộ đội với Nhân dân”, Đại tá Lê Xuân Men, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh chia sẻ.