Theo kết quả khảo sát nhanh của Trung tâm GreenViet và Tổ chức FFI, trong năm 2022, tại tỉnh Quảng Ngãi đã quan sát được 10 đàn voọc chà vá chân xám tại rừng phòng hộ huyện Ba Tơ với khoảng 169 cá thể. Ước tính, nếu điều tra, đánh giá đầy đủ có thể có tới 20 đàn voọc chà vá chân xám sinh sống ở đây. Đây là khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao, với 580 loài động vật và 698 loài thực vật các loại.
Theo ông Nguyễn Quang Trung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ngãi, qua khảo sát, có thể nhận thấy khu vực rừng phòng hộ Ba Tơ có ý nghĩa quan trọng trong kết nối hành lang đa dạng sinh học bởi tiếp giáp với Khu Bảo tồn thiên An Toàn (Bình Định) và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (tỉnh Gia Lai). Do đó, Ba Tơ là một hành lang quan trọng để bảo tồn loài voọc chà vá chân xám nói riêng và các giá trị đa dạng sinh học quan trọng nói chung.
Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Ba Tơ đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, bởi tác động của cộng đồng dân cư vùng đệm như săn bắn, bẫy bắt, khai thác lâm sản... Ngoài ra, thiếu dữ liệu về đa dạng sinh học cũng như chưa có các dự án đầu tư, hỗ trợ ngoài ngân sách nhà nước nhằm xúc tiến hoạt động thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên khu Tây Ba Tơ.
Tại Hội thảo, ông Ngô Vĩnh Phong - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi đã thông tin về việc ngăn chặn, xử lý các mối đe dọa đối với loài linh trưởng này. Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời đối với các đối tượng vận chuyển 6 cá thể linh trưởng đông lạnh và bắn chết 5 cá thể voọc chà vá chân xám năm 2021 (12 năm tù cho 2 bị cáo săn bắt và bắn chết 5 cá thể chà vá chân xám tại Ba Tơ). Đơn vị đã tham gia trồng rừng mở rộng sinh cảnh, vận động tài trợ chương trình bảo tồn voọc chà vá chân xám, thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ động vật hoang dã.
Nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến cho công tác bảo tồn đàn voọc. Ts. Lê Khắc Quyết nhấn mạnh: Để xác định đầy đủ hiện trạng quần thể voọc chà vá chân xám, cần tiếp tục điều tra sâu, rộng về chà vá chân xám ở rừng phòng hộ Ba Tơ. Điều tra, đánh giá thảm thực vật và khu hệ thực vật, điều tra đánh giá các khu hệ, điều tra bằng máy bẫy ảnh, điều tra hiện trạng dân sinh, kinh tế - xã hội, điều tra và đánh giá các mối đe dọa.
Ông Hà Phước Phú - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh Quảng Nam trong huy động nguồn lực bảo tồn loài chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây. Đặc biệt, tỉnh đã huy động tổ chức quốc tế và cộng đồng dân cư trong công tác bảo tồn và phát triển chà vá chân xám tại Quảng Nam. Đáng chú ý là việc thành lập 20 nhóm bảo tồn từ các tổ chức quốc tế, triển khai 20 đợt truy quét hoạt động buôn bán, vận chuyển, hỗ trợ thiết bị, dụng cụ đi rừng cho nhóm bảo tồn, xây dựng chốt bảo vệ rừng và chà vá chân xám.
Đại diện Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham, Kon Tum cũng chia sẻ về kinh nghiệm quản lý bảo vệ rừng và chà vá chân xám. Trong đó, thành lập 2 chốt dã chiến tại khu vực rừng giáp ranh với tỉnh Quảng Nam và Khu vực các thôn của xã Ngọc Tem giáp ranh với tỉnh Quảng Ngãi. Nâng cao trách nhiệm của 31 cộng đồng nhận khoán bảo vệ 14.000 ha rừng nhằm quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn phát triển các loài động vật hoang dã mà đặc biệt là loài chà vá chân xám.
Qua buổi thảo luận, ông Hoàng Văn Lâm, Giám đốc Tổ chức FFI tại Việt Nam cho biết: Qua tham luận các ý kiến bảo tồn chà vá chân xám, tỉnh Quảng Ngãi cần có các giải pháp hạn chế các mối đe dọa đến loài chà vá chân xám như bẫy bắt, săn bắt loài này. Tỉnh cần có các biện pháp quy hoạch rừng Ba Tơ thành rừng đặc dụng. Cải thiện sinh kế cộng đồng vùng DTTS sinh sống gần khu rừng. Ở góc độ là tổ chức quốc tế, chúng tôi sẽ hỗ trợ địa phương trong tiến trình thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên khu Tây Ba Tơ.