Tỉnh Quảng Ngãi có 5 huyện miền núi, 6 xã khu vực I, 3 xã khu vực II, 52 xã khu vực III và 6 thôn đặc biệt khó khăn không thuộc các xã khu vực III; 2/5 huyện là huyện nghèo; 5 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, đạt tỷ lệ 8,2%; 100% xã có điện lưới quốc gia; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phân bổ hơn 399,6 tỷ đồng để thực hiện Chương trình. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương hơn 359,5 tỷ đồng; vốn đối ứng ngân sách tỉnh hơn 40,1 tỷ đồng.
Giao UBND các huyện: Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Ba Tơ, Minh Long, Bình Sơn, Tư Nghĩa và Nghĩa Hành chịu trách nhiệm, căn cứ nguồn kinh phí được UBND tỉnh giao, chịu trách nhiệm giao dự toán chi tiết cho các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai thực hiện trước ngày 30/3/2023 và gửi về Ban Dân tộc tỉnh, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan, đơn vị liên quan; đồng thời, bố trí vốn đối ứng ngân sách cấp huyện bảo đảm theo quy định tại Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND ngày 7/7/2022 của HĐND tỉnh.
Ban Dân tộc tỉnh (Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh) có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra quá trình thực hiện của các huyện và các cơ quan, đơn vị; báo cáo kết quả cho UBND tỉnh để chỉ đạo.
Thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm 4 - 4,5% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025.
Đồng thời, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống cho người dân; tối thiểu 80% phụ nữ có thai được phổ biến kiến thức, khám thai định kỳ, hỗ trợ y tế, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho 100% trẻ em suy dinh dưỡng vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Bên cạnh đó, thực hiện bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể; hỗ trợ đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao thôn; hỗ trợ đầu tư xây dựng các điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS và miền núi; tạo điều kiện cho 306 Người có uy tín trong cộng đồng làm hạt nhân chính trị, nòng cốt ở cơ sở; bồi dưỡng kiến thức về chính sách dân tộc, công tác dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức...