Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Quảng Ngãi: Nông dân Bình Khương dang dở giấc mơ “vàng trắng”

Tiếng Dân - 14:34, 09/08/2022

Hơn 20 năm trước, cây cao su chính thức được trồng trên các xã Bình Khương, Bình Minh, Bình Nguyên, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi)... Những tưởng loại cây công nghiệp được ví như “vàng trắng” thời bấy giờ sẽ giúp nông dân có được cuộc sống tốt hơn. Thế nhưng, tất cả đều vỡ mộng vì nhiều lý do. Người nông dân đành gác lại giấc mơ “vàng trắng” để chuyển sang cây trồng khác để mưu sinh.

Vườn cao su của người dân xã Bình Khương bị cơn bão năm 2009 quật gãy đổ tan hoang
Vườn cao su của người dân xã Bình Khương bị cơn bão năm 2009 quật gãy đổ tan hoang

Từ những năm 2.000, khi nghe có dự án trồng cây cao su, ông Nguyễn Liên, thôn Tây Phước, xã Bình Khương, huyện Bình Sơn, hăng hái phá bỏ 1,7ha keo để chuyển sang trồng cao su. Do không có vốn, ông Liên còn mạnh dạn vay Ngân hàng Nông nghiệp Bình Sơn gần 26 triệu đồng để mua giống, phân bón... Những tưởng chi phí bỏ ra sẽ được đền đáp khi cao su đến kỳ thu hoạch.

Thế nhưng, khi cây cao su bắt đầu cho mủ, thì cơn bão (năm 2009) ập đến, làm ngã đổ 60% số cây đã trồng. Chưa thu hoạch được gì, nên ông Liên cố gắng chăm sóc số cây còn lại, với mong muốn có thể vớt vát được phần nào. Song, do giá mủ cao su liên tục giảm, nên số tiền thu được không đủ bù đắp chi phí đầu tư.

Ông Liên chia sẻ: Khi mới trồng, cây cao su phát triển khá tốt, gia đình tôi khấp khởi mừng thầm, hi vọng sẽ đổi đời nhưng có ngờ đâu, trồng loại cây này lại nhiều rủi ro như vậy. Giờ đây, thực sự gia đình đã vỡ mộng, chỉ biết cố gắng trồng loại cây khác để sinh sống và gom tiền trả nợ.

Còn ông Nguyễn Thi, thôn Thanh Trà, xã Bình Khương bày tỏ: Ban đầu nghe nói trồng cây cao su có thu nhập cao, gia đình tôi cũng háo hức trồng, nhưng qua một thời gian, nhận thấy cây cao su không mang lại hiệu quả, năm 2015, tôi đã phá cao su để trồng lại cây keo. May mắn nếu keo được giá thì gia đình kiếm được ít vốn, chứ để cây cao su có nước mang nợ.

Bà Nguyễn Thị Biểu, ở thôn Tây Phước, xã Bình Khương chia sẻ, hồi đó tôi giao cho Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi khoảng 6ha, để trồng cao su đại điền, nhưng rồi sau đó đều bị thiệt hại do bão. Cũng may là tôi sớm lấy lại đất để trồng mì (sắn) và keo gỡ gạc, chứ không thì giờ cũng điêu đứng.

Người dân đã chán cây cao su chuyển sang trồng mì
Không còn kế mưu sinh, người dân đành bỏ cây cao su chuyển sang trồng mì, keo

Không riêng gì những hộ dân nói trên, hiện nay tất cả hộ dân trồng cao su tiểu điền trên địa bàn các xã Bình Khương, Bình Minh... đều vỡ mộng vì cây cao su, và đã chuyển sang trồng keo hoặc mì. Người dân cho rằng, cách phát triển kinh tế tốt nhất, là chọn trồng những loại cây phù hợp với tập quán canh tác, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

Nhằm giải quyết thiệt hại từ cây cao su để lại,  giúp cho người dân có lại đất để trồng cây khác, từ năm 2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản yêu cầu, đối với những diện tích mà Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi không còn nhu cầu sử dụng, thì tiến hành khai thác tận thu số cây cao su, giao đất lại cho chính quyền địa phương để giao cho người dân canh tác. Tuy nhiên, đến nay việc giao lại đất vẫn chưa giả quyết song.

Mới đây, chính quyền xã Bình Khương, đã có buổi làm việc với Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi về việc giao lại đất cho người dân. Theo đó, Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi đã thống nhất, bàn giao lại cho UBND xã Bình Khương 284ha, để chính quyền địa phương thực hiện đo đạc, phân giao lại đất cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Khương thông tin: Trước mắt, xã nhận bàn giao sơ bộ diện tích đất, theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi là 284ha. Nhưng con số này có chính xác hay không, phải đợi xã thuê đơn vị tư vấn đo đạc lại mới thống nhất. Bởi đa số diện tích trước đây được đo bằng thủ công, xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm đất, nên diện tích thực tế còn lại không biết bao nhiêu.

Cũng theo ông Thạch, việc chia lại đất cho người dân sẽ mất nhiều thời gian và rất khó khăn. Do đó, thời gian tới, xã sẽ tổ chức họp dân thông qua các chủ trương, kế hoạch. Về phía người dân cũng cần có sự đồng thuận, đối với các diện tích lấn chiếm trước đây, nên tự nguyện trả lại để xã đo đạc cấp lại đất cho chính chủ, tránh tình trạng tranh chấp tiếp tục diễn ra.

Nhìn nhận từ thực tế thì, thời gian người dân phải trả giá cho giấc mộng “vàng trắng” đã khá dài, cuộc sống của người dân cũng đã gặp rất nhiều khó khăn. Thiết nghĩ, UBND tỉnh Quảng Ngãi cần sát sao công tác chỉ đạo chính quyền cơ sở phối hợp với các bên có liên quan, tập trung,  nhanh chóng giải quyết những vấn đề vướng mắc xung quanh vấn đề về cây cao su để người dân sớm ổn định đất sản xuất, an tâm xây dựng cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục
Thăm làng gốm của người Chăm nổi tiếng ở Ninh Thuận

Thăm làng gốm của người Chăm nổi tiếng ở Ninh Thuận

Gốm Bàu Trúc của người Chăm Ninh Thuận mang đặc trưng bởi nhiều nét riêng, từ cách làm cho đến cách nung để có những sản phẩm độc đáo nhất. Do vậy, làng nghề gốm ở Ninh Thuận không chỉ nổi tiếng bởi những sản phẩm chất lượng, mà còn là điểm đến trải nghiệm ấn tượng với nhiều du khách trong và ngoài nước.