Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quảng Ngãi: Những “báu vật nhân văn sống” chưa được quan tâm đúng mức

Thành Nhân - 10:09, 15/06/2020

Có thể khẳng định, các Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) là những người nắm giữ những tinh hoa văn hóa nghệ thuật truyền thống, được trân trọng gọi là “báu vật nhân văn sống”. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đời sống của những Nghệ nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, chưa được quan tâm đúng mức, khiến họ mất dần động lực.

Những nghệ nhân được xem là “báu vật nhân văn sống” cần được trọng thị và có chế độ đãi ngộ xứng đáng
Những nghệ nhân được xem là “báu vật nhân văn sống” cần được trọng thị và có chế độ đãi ngộ xứng đáng

Theo thống kê của ngành chức năng, tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi hiện có 3 người được phong tặng NNND và 16 người được phong tặng NNƯT. Họ đều là những người nắm giữ nhiều giá trị di sản văn hóa phi vật thể quý giá. Điển hình như NNND Đinh Ngọc Su, ở xã Sơn Thượng (huyện Sơn Hà). Ông là người am hiểu tường tận về nhạc cụ dân tộc Hrê. Ông đã có công phục hồi lại sáo Tà vỗ, một loại nhạc cụ độc đáo cổ xưa của người Hrê mà thời gian đã làm mai một. Năm 2019, ông Đinh Ngọc Su vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu NNND. Do tuổi cao, sức yếu ông đã qua đời, nhưng những đóng góp của ông cho văn hóa truyền thống vẫn còn mãi. Chính nhờ sự truyền dạy của ông mà nhạc Tà vỗ được nhiều người trẻ biết sử dụng.

Trong khi đó, NNƯT Đinh Thanh Sơn, ở xã Sơn Mùa (huyện Sơn Tây), không chỉ hát được các làn điệu dân ca của người Ca Dong (một nhóm thuộc dân tộc Xơ-đăng), mà còn sử dụng thành thạo rất nhiều loại nhạc cụ truyền thống, như: A khung, Brooc krau, Brooc tru, Brooc a khung... Ngoài ra, ông còn biết cách chế tác rất nhiều nhạc cụ. Hằng năm, ông tham gia các lớp truyền dạy dân ca của địa phương để thế hệ trẻ học hỏi, giữ gìn.

Ngoài những Nghệ nhân được phong tặng danh hiệu, thì trong cộng đồng DTTS tại các huyện miền núi Quảng Ngãi còn có khoảng 300 Nghệ nhân có nhiều đóng góp, nắm giữ, lưu truyền các giá trị văn hóa dân tộc. Điều đáng nói là hiện nay, nhiều Nghệ nhân sống trong cảnh khó khăn, già yếu, không được bảo đảm cuộc sống tốt để có thể cống hiến kinh nghiệm của mình cho cộng đồng.

Đơn cử như NNƯT Đinh Ka La, ở xã Sơn Mùa (huyện Sơn Tây), nay đã 80 tuổi, cuộc sống rất khó khăn lại thường xuyên ốm đau. Vì đam mê văn hóa truyền thống, ông đã bỏ nhiều công sưu tầm và truyền dạy cho lớp trẻ. “Tuy được phong tặng là NNƯT nhưng thời gian qua, tôi chưa nhận được chính sách hỗ trợ. Nếu có hỗ trợ của Nhà nước, thì tôi và các Nghệ nhân khác có điều kiện để ổn định cuộc sống và dành tâm huyết cho văn hóa truyền thống”, ông Ka La chia sẻ.

Từ năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2015/NĐ-CP (Nghị định 109) về việc hỗ trợ đối với NNND và NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên đến nay, ở tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa có trường hợp Nghệ nhân nào được nhận hỗ trợ theo Nghị định này. Qua tìm hiểu của chúng tôi, phần đông các Nghệ nhân vẫn còn “mơ hồ” thông tin về việc hỗ trợ, cũng chưa ai giúp họ nắm đầy đủ các bước cần làm gồm những gì.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Minh Đát, Phó Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi), thừa nhận: Nhiều Nghệ nhân vẫn chưa được hưởng chính sách nào liên quan đến danh hiệu đã được công nhận.

“Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và chính quyền các địa phương cần sớm triển khai, hướng dẫn và rà soát để kịp thời triển khai chính sách hỗ trợ để ổn định cuộc sống cho các Nghệ nhân được phong tặng có đời sống khó khăn”, ông Đát nói.

Việc vinh danh Nghệ nhân thể hiện sự trọng thị của cộng đồng đối với những người đã không ngừng cống hiến, đóng góp công sức vào việc bảo tồn di sản văn hóa của địa phương, dân tộc. Tuy nhiên, điều đó chỉ có ý nghĩa thiết thực khi chúng ta tạo cho các Nghệ nhân có một đời sống tốt, để họ tiếp tục toàn tâm toàn ý với công việc gìn giữ, trao truyền các giá trị văn hóa dân gian. Các ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi cần nhanh chóng rà soát lại quy trình thực hiện Nghị định 109 để bảo đảm quyền lợi cho những Nghệ nhân. Đồng thời khích lệ, động viên để trí tuệ, kinh nghiệm của họ được phát huy, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

Nhiều nghệ nhân vẫn chưa được hưởng chính sách nào liên quan đến danh hiệu đã được công nhận. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và chính quyền các địa phương cần sớm triển khai, hướng dẫn và rà soát để kịp thời triển khai chính sách hỗ trợ để ổn định cuộc sống cho các nghệ nhân được phong tặng có đời sống khó khăn”.

Ông Phạm Minh Đát, Phó Trưởng phòng Quản lý văn hóa

(Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi).


Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.