Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quảng Ngãi: Nhiều dự án cấp bách bị “treo” vì thủ tục hành chính

Phương Lê - 20:38, 23/04/2020

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai nhiều công trình hạ tầng mang tính cấp bách. Nhưng do những vướng mắc về thủ tục hành chính nên không ít công trình tiến độ giải ngân rất chậm.

Nhiều dự án triển khai chậm do vướng thủ tục hành chính (Trong ảnh: Công trình chống sạt lở bờ biển của tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai).
Nhiều dự án triển khai chậm do vướng thủ tục hành chính (Trong ảnh: Công trình chống sạt lở bờ biển của tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai).

Năm 2019 Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ngãi) được giao tổ chức thực hiện 27 dự án (DA); tổng kế hoạch vốn là 435,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, hết năm giá trị giải ngân 27 DA này chỉ 255,2 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch.

Điển hình là 3 DA khẩn cấp khắc phục sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông khu vực miền Trung - tỉnh Quảng Ngãi, gồm: Chống sạt lở bờ bắc Cửa Đại, khu dân cư thôn Khê Tân, xã Tịnh Khê (TP. Quảng Ngãi); kè chống sạt lở bờ biển thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị (huyện Bình Sơn); chống bồi lấp Cửa Đại sông Trà Khúc, xã Tịnh Khê (TP. Quảng Ngãi).

Tổng vốn đầu tư của 3 DA này là 147 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 125 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 22 tỷ đồng. Sau một thời gian thi công theo lệnh khẩn cấp, đến nay, giá trị khối lượng hoàn thành của 3 DA trên đạt 59/125 tỷ đồng (đạt 47,2%).

Cùng với 3 DA trên, DA Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai một số tỉnh miền Trung trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cũng chậm tiến độ. Theo kế hoạch, tỉnh Quảng Ngãi được Ngân hàng Thế giới (WB) giao kế hoạch vốn là 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, hết năm 2019, vốn WB cũng chỉ giải ngân được 6/100 tỷ đồng.

Lý giải về nguyên nhân giải ngân chậm, ông Từ Văn Tám, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp cho hay: Dù được Trung ương bố trí 125 tỷ đồng vào cuối năm 2018, nhưng đến tháng 7/2019, 3 DA trên mới được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong khi đó, thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư kéo dài, cộng với điều kiện thi công khó khăn, nên tỷ lệ giải ngân vốn thấp, thời gian hoàn thành công trình chậm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, một trong những nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn chậm là do vướng thủ tục hành chính. Đơn cử như DA Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai một số tỉnh miền Trung trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, hiện đã được bố trí 220 tỷ đồng, để thực hiện 19 công trình thuộc 8 DA thành phần, kế hoạch hoàn thành là trước năm 2021. Tuy nhiên, hiện có 3/8 DA thành phần cần phải điều chỉnh, bổ sung vì mục tiêu chưa phù hợp với yêu cầu của WB.

Năm 2020, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp Quảng Ngãi chuẩn bị đầu tư 3 DA, với tổng mức đầu tư dự kiến 211 tỷ đồng, gồm: Kè chống sạt lở bờ biển thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi); chống sạt lở bờ bắc Cửa Đại, xã Tịnh Khê (TP. Quảng Ngãi) và Kè bảo vệ bờ bắc sông Vệ, đoạn hạ lưu cầu sông Vệ và đoạn cầu đường sắt thị trấn Sông Vệ (huyện Tư Nghĩa). Hiện Trung ương đã bố trí 105 tỷ đồng. Tuy nhiên, các DA này vẫn chưa khởi công vì phải đợi HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.

Việc những DA mang tính cấp bách, nhưng chậm tiến độ đưa đến rất nhiều hệ lụy. Đó là nguy cơ mất cơ hội về vốn hoặc chuyển vốn các DA, ảnh hưởng rất lớn hiệu quả đầu tư các DA trọng điểm. Đây là vấn đề mà tỉnh Quảng Ngãi cần lưu tâm để kịp thời có giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn cho các DA khẩn cấp trên địa bàn. 

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.