Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Tin tức

Quảng Ngãi: Người dân mỏi mòn đợi tái định cư

PV - 18:05, 02/08/2019

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, giai đoạn 2013 – 2019, kết quả thực hiện việc bố trí dân cư và tái định cư (TĐC) cho người dân vùng sạt lở núi, ven sông, ven biển và khu vực khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đạt rất thấp, người dân vẫn đang mỏi mòn chờ được tái định cư. Vậy đâu là nguyên nhân?

Thực trạng đáng lo ngại

Giai đoạn từ năm 2013– 2015, tỉnh Quảng Ngãi thực hiện 2 dự án lớn về bố trí dân cư và TĐC cho người dân. Cụ thể: Dự án bố trí dân cư vùng thiên tai trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2013–2015, định hướng đến năm 2020 đề ra mục tiêu: Đến năm 2020, toàn tỉnh hoàn thành cơ bản việc bố trí TĐC và ổn định tại chỗ cho 11.325 hộ dân ở các vùng bị ảnh hưởng do thiên tai. Trong đó, TĐC tập trung vào 76 khu TĐC cho khoảng 3.995 hộ; TĐC xen ghép 2.218 hộ và sắp xếp ổn định tại chỗ 5.112 hộ dân. Tổng nguồn vốn đầu tư trên 793 tỷ đồng.

Còn Dự án bố trí dân cư vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2013– 2015, định hướng đến năm 2020 đề ra chỉ tiêu: Đến năm 2020, toàn tỉnh hoàn thành cơ bản việc bố trí TĐC cho 1.301 hộ vào 31 khu TĐC tập trung và di dân xen ghép cho 1.590 hộ vào các điểm dân cư hiện có, cho các đối tượng ở vùng đặc biệt khó khăn do thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, nước sản xuất và những khu vực bị ô nhiễm. Tổng kinh phí thực hiện trên 386 tỷ đồng.

Nhiều vùng ven biển Quảng Ngãi có nguy cơ sạt lở cao nhưng do thiếu vốn, người dân vẫn chưa được di dời. Nhiều vùng ven biển Quảng Ngãi có nguy cơ sạt lở cao nhưng do thiếu vốn, người dân vẫn chưa được di dời.

Tuy nhiên, giai đoạn 2013–2019, toàn tỉnh chỉ thực hiện 4/76 khu TĐC, để TĐC tập trung cho 171/3.995 hộ dân và bố trí ổn định cho 775/5.112 hộ dân trong vùng ảnh hưởng của thiên tai. Tổng kinh phí thực hiện 43,7 tỷ đồng. Như vậy, các chỉ tiêu thực hiện về số hộ di dời, xây dựng các điểm TĐC đều chưa đạt so với mục tiêu quy hoạch của 2 dự án và chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.

Thực tế cho thấy, nhiều vùng có nguy cơ sạt lở cao, người dân mong chờ được di dời đến nơi ở mới ổn định và an toàn hơn. Đơn cử như tại huyện Ba Tơ, khu vực núi Méo (xã Ba Giang) bị sạt lở từ năm 2013, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của 50 hộ dân Khu dân cư thôn Nước Lô và hàng trăm cán bộ, công nhân viên chức UBND xã, trạm y tế xã cũng như học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tiểu học và THCS Ba Giang. Đáng lo nhất là đợt mưa lũ năm 2017 và 2018, đất đá trên núi Méo lăn xuống, gây hư hỏng hàng rào của trường học và trạm y tế, khiến nhân viên y tế và giáo viên, học sinh nơm nớp lo sợ mỗi khi có mưa lớn. Qua kiểm tra của các ngành chức năng, núi Méo có nhiều vết nứt kéo dài trên 100m, với bề rộng từ 0,1 – 0,5m. Để tránh hiểm họa, giải pháp căn cơ là di dời toàn bộ Trung tâm cụm xã Ba Giang, gồm trường học, trạm y tế, trụ sở UBND xã và 50 hộ dân đến nơi an toàn.

Đi tìm nguyên nhân

Theo ông Từ Văn Tám, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư các công trình NN&PTNT Quảng Ngãi, thực hiện Dự án di dân khẩn cấp phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề xuất 10 dự án, tổng kinh phí thực hiện 128,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có 1 dự án được thực hiện, 9 dự án còn lại phải... đợi vốn!

Thực tế, công tác bố trí, ổn định dân cư và TĐC hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, do nguồn vốn đầu tư cho chương trình quá ít, chủ yếu từ ngân sách Trung ương hỗ trợ, còn ngân sách tỉnh chưa bố trí. Vì vậy, nhiều khu dân cư ven biển, ven sông trên địa bàn tỉnh bị sạt lở nghiêm trọng, nhưng chưa thể TĐC, mà chỉ ứng phó tạm thời bằng cách di dời và sơ tán dân khi xảy ra thiên tai, nên ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân. Chính vì vậy, đối với những dự án ổn định dân cư và TĐC khẩn cấp, UBND tỉnh cần xem xét ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân.

Ông Đàm Bàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành cho biết: Tại huyện Nghĩa Hành, có 2 dự án Khu TĐC Nhơn Lộc 1, xã Hành Tín Đông và Khu TĐC Gò Cách, xã Hành Thuận. Nhờ đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, nguồn nước sinh hoạt đảm bảo, nên 78 hộ TĐC tập trung tại 2 khu TĐC này đã ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất và không xảy ra tình trạng người dân quay trở lại nơi ở cũ. Từ thực tế trên, người dân ở các khu vực thấp trũng, vùng sạt lở ven sông... trên địa bàn huyện cũng mong muốn được TĐC, để yên tâm sinh sống và sản xuất. Tuy nhiên, ngoài 2 dự án trên, thì trên địa bàn huyện còn có 9 dự án khu TĐC (thuộc Dự án bố trí dân cư vùng thiên tai trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2013–2015, định hướng đến năm 2020), để TĐC tập trung cho 407 hộ dân chưa được thực hiện. Vì tổng nguồn vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng, vượt quá khả năng của huyện.

THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Những thiệt hại đầu tiên do hoàn lưu bão số 4 gây ra ở Nghệ An

Những thiệt hại đầu tiên do hoàn lưu bão số 4 gây ra ở Nghệ An

Mưa lớn nhiều ngày do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 đã khiến cho nhiều vùng đất ở Nghệ An ngập úng cục bộ. Khu vực miền núi đã xuất hiện sạt lở. Đáng chú ý, đã có thiệt hại về người và tài sản vì mưa lũ.