Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quảng Ngãi: Người có uy tín góp sức xây dựng khối Đại đoàn kết dân tộc

Thành Nhân - 16:58, 01/03/2023

Trong những năm qua, Người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã phát huy vai trò nòng cốt, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự trong cộng đồng.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân tặng quà cho NCUT
Tỉnh Quảng Ngãi luôn quan tâm, chăm lo động viên Người có uy tín. (Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân tặng quà cho Người uy tín)

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 187 nghìn người DTTS, chiếm 15,17% dân số toàn tỉnh. Địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào DTTS tập trung ở 5 huyện miền núi. Nhiều nơi đi lại còn khó khăn, nhận thức và trình độ dân trí của đồng bào DTTS có mặt còn hạn chế nên vai trò của Người có uy tín hết sức cần thiết. Họ là chiếc cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân và là những tấm gương sáng để cộng đồng noi theo.

Tại xã Sơn Màu, huyện Sơn Tây, ông Đinh Văn Gành, Người uy tín ở thôn Đắk Panh, luôn đi đầu trong mọi lĩnh vực của địa phương. Khi Nhà nước có chủ trương mở đường, xây nhà văn hóa thôn, ông Gành đã hiến 5.000 m2 đất mà không hề đắn đo. “Mình là Người có uy tín nên phải gương mẫu thì nói bà con mới nghe. Mình chịu thiệt một chút nhưng bù lại trong bụng thấy vui vì làm việc có ích cho cộng đồng”, ông Gành nói.

Ở xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây, ông Đinh Văn Hố luôn được bà con tin tưởng. Nhiều năm qua, ông Hố đã hòa giải thành công nhiều vụ việc mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư; vận động, ngăn chặn kịp thời các vụ tảo hôn. Ông Hố cũng tích cực vận động người dân hiến đất, cây cối, hoa màu, ngày công lao động... để xây dựng đường giao thông, trường học, nhà văn hóa, để góp phần thực hiện các tiêu chí của xã nông thôn mới. 

Ông Hố cho hay: Được bà con tin tưởng bầu là Người có uy tín, mình phải luôn nêu gương, nỗ lực làm việc, nhất là tuyên truyền, vận động người dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Mình thường xuyên đến từng nhà để gặp gỡ, trò chuyện với người dân trong thôn, từ đó kết hợp tuyên truyền, vận động các hộ cùng nhau xây dựng cuộc sống mới.

Trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội, huyện Sơn Hà luôn chú trọng xây dựng đội ngũ Người uy tín, làm hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Bà Đinh Thị Chung, xã Sơn Cao, huyện Sơn Hà được biết đến là người đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình. Nhận thấy mô hình nuôi heo ky thương phẩm, phù hợp với tập quán sản xuất của địa phương, bà Chung đã mạnh dạn đầu tư và phát triển mô hình. Với cách thả nuôi trong vườn đồi, tận dụng nguồn thức ăn có sẵn ở địa phương nên heo phát triển khỏe mạnh và chất lượng thịt được người tiêu dùng lựa chọn nên có thu nhập ổn định.

Ngoài việc tuyên truyền vận động Nhân dân phát triển kinh tế, NCUT tỉnh Quảng Ngãi còn tham gia tích cực giữ gìn phát huy văn hóa truyền thống
Ngoài việc tuyên truyền vận động Nhân dân phát triển kinh tế, Người uy tín tỉnh Quảng Ngãi còn tham gia tích cực giữ gìn phát huy văn hóa truyền thống

Từ thành công của mình, bà Chung đã chia sẻ kinh nghiệm và vận động bà con làm theo. Hiện trong thôn Làng Gung có đến 10 hộ chăn nuôi heo ky thương phẩm, với số lượng trên 20 con mỗi hộ. Nhờ đầu ra ổn định nên mô hình nuôi heo ky đã mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho nhiều gia đình. Đời sống được nâng lên, tình làng, nghĩa xóm càng thêm bền chặt.

Ngoài ra, Người có uy tín ở huyện Sơn Hà còn tham gia với các hội đoàn thể tổ chức hòa giải ở cơ sở. Như mô hình tổ hòa giải của Hội cựu chiến binh huyện Sơn Hà, trong đó nòng cốt là các cựu chiến binh cũng là những Người có uy tín. Ngoài tham gia hòa giải các vụ việc tranh chấp mâu thuẫn, các tổ hòa giải cựu chiến binh còn tuyên truyền cho Nhân dân chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt quy ước, hương ước của địa phương. 

Ông Đinh Văn Bước - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Sơn Hà cho biết: Để đạt được kết quả đó, các Chi hội phải nắm chắc tư tưởng của  Nhân dân ở khu dân cư để từ đó mình mới có thể nói chuyện, vận động, nhất là tận dụng vai trò của Người có uy tín để cùng tham gia hòa giải.

Những đóng góp của Người có uy tín đã và đang góp phần quan trọng trong đời sống của người dân vùng cao. Vì thế, các cấp ngành của tỉnh Quảng Ngãi đã dành nhiều sự quan tâm dành cho Người có uy tín. Ông Trần Văn Mẫn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Giai đoạn 2018 - 2022, tỉnh đã bố trí gần 18 tỷ đồng để cung cấp thông tin, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần và khen thưởng Người có uy tín. 

"Thời gian tới, tỉnh tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Người có uy tín. Đồng thời, tăng cường tập huấn, cung cấp thông tin về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho Người có uy tín, già làng tham gia các hoạt động hiệu quả tại địa phương", ông Trần Văn Mẫn nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.