Mục đích giám sát nhằm theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quy định về quản lý; kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện ở các cấp địa phương. Đồng thời xác định mức độ đạt được theo mục tiêu, chỉ tiêu qua đó đề xuất các giải pháp và kiến nghị trong tổ chức thực hiện. Thiết lập hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý chương trình mục tiêu này.
Việc giám sát được thực hiện theo từng cấp, từ thôn, xã đến huyện, tỉnh định kỳ 6 tháng, đánh giá tổng kết cả năm và đột xuất khi cần thiết. Năm 2024 sẽ tập trung đánh giá công tác quản lý thực hiện chương trình mục tiêu gồm: Kết quả xây dựng chính sách quản lý, tổ chức thực hiện; công tác điều phối, phối hợp trong quản lý, tổ chức thực hiện; hoạt động truyền thông, thông tin và theo dõi, giám sát, đánh giá.
Ngoài ra, xem xét tình hình huy động, phân bổ và sử dụng nguồn vốn; mức độ đạt được kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ so với kế hoạch năm 2024 và giai đoạn 5 năm được cấp có thẩm quyền giao...
Được biết, UBND tỉnh Quảng Nam cũng vừa mới ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2024, theo đó phấn đấu giảm 2.900 hộ nghèo toàn tỉnh. Trong đó, khu vực miền núi chiếm số lượng lớn với 2.763 hộ nghèo, đồng bằng chỉ 137 hộ nghèo cần giảm.
UBND tỉnh yêu cầu việc thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững đảm bảo kịp thời, đúng mục tiêu, đối tượng, nội dung hỗ trợ của chương trình và đúng quy định. Nội dung thực hiện phải phù hợp với khả năng cân đối ngân sách tỉnh và các địa phương (cấp huyện, cấp xã), khả năng tham gia của các đối tượng trong thực hiện chương trình. Quá trình thực hiện phải đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch.
Ngoài ra, cần tăng cường thực hiện lồng ghép nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia khác và các chương trình, dự án, chính sách, hoạt động khác đang triển khai trên cùng một địa bàn để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo bền vững. Việc tổ chức thực hiện chương trình phải gắn với thực hiện phong trào thi đua “Quảng Nam chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025.
Các dự án thành phần của chương trình giảm nghèo bền vững sẽ được triển khai bằng nhiều giải pháp ở mỗi địa phương, đảm bảo thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ huyện nghèo từng bước thoát khỏi tình trạng khó khăn.