Được biết, Đề án phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương tại Thông báo số 135 ngày 6/5/2022 của Văn phòng Chính phủ. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng đề án gửi Bộ Y tế thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo ý kiến thẩm định của Bộ Y tế (tại Công văn số 1962 về việc có ý kiến thẩm định đối với Đề án phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực), đề án cần có thêm thông tin về tình hình phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu ở các tỉnh, thành phố lân cận nhằm xác định nguồn nguyên liệu phục vụ cho trung tâm công nghiệp dược liệu nêu trên.
Để hoàn thiện đề án theo đề nghị của Bộ Y tế, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị UBND các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum và TP.Đà Nẵng phối hợp cung cấp thông tin về tình hình trồng, phát triển sâm Ngọc Linh (nếu có) và các cây dược liệu khác. Nội dung thông tin liên quan xin gửi về UBND tỉnh Quảng Nam (qua Sở NN&PTNT Quảng Nam - Số 119, Hùng Vương, TP.Tam Kỳ) trước ngày 25/5/2024 để tổng hợp, hoàn thiện đề án trình Thủ tướng Chính phủ.
Quảng Nam và Kon Tum là hai tỉnh được xem là “thủ phủ” của sâm Ngọc Linh, với diện tích trồng sâm lớn. Nhờ cây sâm, nhiều người dân ở khu vực miền núi có thu nhập cao. Thời gian gần đây, một số địa phương khác cũng triển khai mô hình trồng sâm Ngọc Linh với mong muốn giúp người dân phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu. Việc thực hiện Đề án phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam, sẽ mở ra cơ hội cho các địa phương nhân rộng mô hình trồng sâm Ngọc Linh bài bản và bền vững.