Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Quan tâm phổ biến chế độ đối với Người có uy tín: Để chính sách đi vào cuộc sống

PV - 10:11, 24/05/2019

Những đóng góp của Người có uy tín trong đồng bào DTTS đối với sự phát triển của cộng đồng đã được ghi nhận, tôn vinh và được động viên bằng những chính sách phù hợp. Nhưng để chính sách đối với Người có uy tín phát huy hiệu quả, cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền cơ sở.

Không nắm rõ chính sách

Theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg, ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Người có uy tín trong đồng bào DTTS ngoài việc được cung cấp thông tin thường xuyên (cấp phát báo, tập huấn, thăm quan học tập kinh nghiệm,…), thì còn được thụ hưởng một số chế độ hỗ trợ về vật chất, động viên tinh thần. Cụ thể, khi ốm đau, Người có uy tín được hỗ trợ chi phí điều trị; định mức 3 triệu đồng/người/năm đối với cấp Trung ương, 1,5 triệu đồng/người/năm đối với cấp tỉnh và 800 nghìn đồng/người/năm đối với cấp huyện.

Ông Lưu Văn Mủ (ngoài cùng bên trái) trao đổi với Đoàn công tác nắm tình hình thực hiện chính sách cấp phát báo cho Người có uy tín. Ông Lưu Văn Mủ (ngoài cùng bên trái) trao đổi với Đoàn công tác nắm tình hình thực hiện chính sách cấp phát báo cho Người có uy tín.

Khi gia đình Người có uy tín gặp khó khăn (thiên tai, hỏa hoạn) hoặc Người có uy tín, thân nhân trong gia đình (bố, mẹ, vợ, con) qua đời cũng được hỗ trợ về vật chất (định mức 2 triệu đồng/người/trường hợp đối với cấp Trung ương, 1 triệu đồng/người/trường hợp đối với cấp tỉnh và 500 nghìn đồng/người/trường hợp đối với cấp huyện). Ngoài ra, Người có uy tín được thăm hỏi, tặng quà có trị giá 500 nghìn đồng nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết truyền thống của các DTTS (không quá 02 lần/năm). Chế độ này được kế thừa và nâng cao định mức hỗ trợ từ chính sách đối với Người có uy tín đã được ban hành trước đó (trước Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg là chính sách đối với Người có uy tín theo Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg, ngày 18/3/2011).

Nhưng không phải Người có uy tín nào cũng nắm rõ được chế độ, chính sách dành cho mình. Mới đây (ngày 15/5/2019) trong chuyến công tác nắm tình hình thực hiện chính sách cấp phát báo cho Người có uy tín ở Lạng Sơn của Đoàn công tác Báo Dân tộc và Phát triển phối hợp cùng Ban Dân tộc tỉnh, phóng viên đã ghi nhận những chia sẻ rất thật lòng của một số Người có uy tín.

Như trường hợp ông Hoàng Văn Liền, sinh năm 1956, dân tộc Sán Chỉ, là Người có uy tín thôn Lùng Va, xã Quan Bản (huyện Lộc Bình). Đầu tháng 5/2019, ông bị đau ốm nên phải vào viện điều trị. Sau khi ra viện, ông không thông báo cho xã biết để làm chế độ cho mình (được hỗ trợ 800 nghìn đồng chi phí thăm hỏi-Pv).

Ông Liền cho biết, ông không nắm được chính sách này dành cho Người có uy tín. Khi được hỏi, Tết Kỷ Hợi vừa rồi ông có được nhận phần quà dành cho Người có uy tín hay không, ông Liền bảo: “Có được cái chăn xã cho mà”.

Cũng như ông Hoàng Văn Liền ở thôn Lùng Va, ông Lưu Văn Mủ, sinh năm 1960, dân tộc Nùng, Người có uy tín thôn Nà Ái, xã Quan Bản (huyện Lộc Bình) năm 2018 cũng nhập viện điều trị. Sau khi ra viện, ông không nhận được chế độ thăm hỏi theo chính sách dành cho Người có uy tín. Ông bảo, ông có nghe nói đến chế độ thăm hỏi đối với Người có uy tín khi bị ốm đau, nhưng làm thế nào được nhận chế độ thì ông không rõ.

“Đi viện về, tôi có thông báo cho Chủ tịch xã, nhưng từ đó đến nay chẳng thấy gì”, ông Mủ cho biết.

Để chính sách đi vào cuộc sống

Ông Liền, ông Mủ là hai trong 291 Người có uy tín của huyện Lộc Bình. Hằng năm, theo báo cáo của Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội-Dân tộc (sáp nhập từ Phòng Lao động, Thương binh-Xã hội và Phòng Dân tộc), các chế độ, chính sách đối với Người có uy tín đều được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Trong quý I/2019, Phòng đã tổ chức thăm hỏi Người có uy tín ốm đau và hỗ trợ gia đình 14 Người có uy tín qua đời với tổng số tiền 10,3 triệu đồng; tặng quà bằng hiện vật (chăn) cho 291 Người có uy tín trong dịp Tết Nguyên đán với số tiền 145,5 triệu đồng.

Bà Nông Thị Vân, Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội-Dân tộc huyện Lộc Bình cho biết, ngoài các chế độ thăm hỏi, tặng quà, đội ngũ Người có uy tín cũng được tham gia tập huấn ở huyện và tỉnh. Trong các buổi tập huấn, Người có uy tín đều được phát tài liệu và được các báo cáo viên hướng dẫn cụ thể các chế độ, chính sách liên quan.

“Trong các buổi tập huấn, Người có uy tín đã được thông tin đầy đủ về các chế độ, chính sách của mình. Nhưng khi về, một số người không nhớ, một phần chính quyền cơ sở cũng chưa thật sự quan tâm nên có thiếu sót”, bà Vân cho biết.

Chia sẻ của bà Vân trùng khớp với ghi nhận của phóng viên khi trao đổi với ông Lưu Văn Mủ, Người có uy tín thôn Nà Ái, xã Quan Bản. Đã gần 3 năm được bầu làm Người có uy tín của thôn Nà Ái nhưng ông Mủ chỉ nhớ là “có nghe nói đến” chế độ, chính sách dành cho mình. Ông khẳng định cũng đã được tập huấn ở huyện, ở tỉnh, nhưng không nhớ rõ lắm.

Nhà ông Mủ cũng không quá xa trung tâm xã Quan Bản (chỉ khoảng 3km), nhưng về phía chính quyền xã cũng chưa có sự quan tâm sâu sát. Ngay cả việc cấp báo cho ông Mủ (báo theo Quyết định 12/QĐ-TTg-Pv), từ đầu năm 2019 đến nay, bưu tá xã cũng chưa chuyển các đầu báo được hưởng theo chế độ, nên ông Mủ chưa nhận được bất cứ tờ báo nào.

Việc ông Lưu Văn Mủ và ông Hoàng Văn Liền ở xã Quan Bản (Lộc Bình, Lạng Sơn) không nắm rõ chế độ, chính sách dành cho Người có uy tín là hiện tượng cá biệt hay là phổ biến? Câu hỏi này chỉ có đáp án khi chính quyền các địa phương thực hiện rà soát, đánh giá. Cùng với đó, Người có uy tín cũng cần quan tâm nắm rõ chế độ, chính sách của mình, để tâm huyết của các nhà hoạch định khi xây dựng chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS đem lại giá trị thiết thực, hiệu quả trong thực tiễn.

TÙNG NGUYỄN