Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Môi trường sống

Quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường

PV - 10:27, 16/10/2018

Trong khi rất nhiều hộ dân đang thiếu đất ở, đất sản xuất thì các công ty nông, lâm nghiệp lại quản lý quá nhiều đất nhưng sử dụng không hiệu quả. Chính vì vậy, rất cần có những giải pháp hữu hiệu trong quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường trong thời gian tới.

Bài 2: Cần sự minh bạch và công bằng

Thiết lập bộ hồ sơ đất đai chính xác, đầy đủ

Những hạn chế, tồn tại trong việc quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường đã được chỉ ra từ rất lâu và đã có sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, những giải pháp đã triển khai trong thời gian qua vẫn chưa giải quyết được vấn đề. Việc cấp thiết hiện nay là những giải pháp thực sự căn cơ đi vào thực tiễn chứ không phải là những giải pháp nằm trên giấy.

Cần quản lý đất đai nông, lâm trường minh bạch và công bằng. (Trong ảnh: Vườn ươm dược liệu tại Nam Trà My, Quảng Nam) Cần quản lý đất đai nông, lâm trường minh bạch và công bằng. (Trong ảnh: Vườn ươm dược liệu tại Nam Trà My, Quảng Nam)

Chuyên gia Nguyễn Văn Chiến, nguyên Phó Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho rằng, giải pháp đầu tiên là thay đổi những quan niệm chưa phù hợp với thực tế quản lý đất đai nông, lâm trường. Ưu tiên đầu tư cho công tác lập hồ sơ ranh giới, đo đạc bản đồ đất có nguồn gốc nông, lâm trường để có bộ hồ sơ đất đai đầy đủ, chính xác, làm nền tảng cho các nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai.

Tại Hội thảo Kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh, do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức vừa qua tại Hà Nội, nhiều đại biểu cho rằng, các bộ, ngành liên quan phải đôn đốc việc thực hiện sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp theo quy định. Đặc biệt, cần chỉ đạo đánh giá chất lượng rừng để làm giá trị tài sản.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, các bộ, ngành, địa phương phân tích rõ hơn mặt được, chưa được, báo cáo làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức; tăng cường trao đổi, giải trình để làm sáng tỏ vấn đề. Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc sắp xếp, quản lý đất đai phải gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, ứng dụng triệt để thành tựu khoa học công nghệ, gắn quyền lợi với trách nhiệm; duy trì và hình thành những vùng sản xuất nông, lâm sản…

Đảm bảo tính minh bạch, công bằng

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, các nhóm giải pháp thực hiện trong thời gian tới, như: rà soát các quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp; chính sách đất đai cho đồng bào DTTS... để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn. Xây dựng, phát triển các mô hình quản trị doanh nghiệp, đổi mới mô hình quản lý các công ty nông, lâm nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ cao, gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của vùng, địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi sát sao, hướng dẫn các địa phương để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc. Thực hiện ngay việc lập phương án sử dụng đất đối với phần diện tích mà nông, lâm trường bàn giao về địa phương để quản lý, sử dụng, giao cho các tổ chức, cá nhân thuê đất, ưu tiên giao cho các hộ gia đình tại địa phương thiếu đất ở, đất sản xuất…

Các địa phương cần rà soát lại các quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp để thực hiện chính sách đất dai cho đồng bào DTTS. Ảnh TL Các địa phương cần rà soát lại các quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp để thực hiện chính sách đất dai cho đồng bào DTTS. Ảnh TL

Một số chuyên gia cho rằng, đất do các công ty nông, lâm trường bàn giao về địa phương phải được phân phối lại cho người dân không có đất sản xuất. Để tránh lợi dụng chính sách, chính quyền địa phương phải công khai, minh bạch quá trình rà soát diện tích đất được bàn giao lại, có điều tiết cụ thể...

Để minh bạch quá trình giao đất, cần phải rà soát, quy chuẩn lại khung pháp lý cho việc thực hiện chính sách và đánh giá hoạt động giao đất lâm nghiệp. Một khuôn khổ chính sách đủ mạnh với một hệ thống giám sát và đánh giá thường xuyên có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan sẽ giúp Quốc hội và các cơ quan Chính phủ quản lý đất lâm nghiệp chủ động hơn và hiệu quả hơn; giúp người nghèo, đồng bào DTTS có quyền tiếp cận tới tài nguyên đất một cách minh bạch và công bằng.

Rõ ràng nhiều giải pháp đã được đưa ra, các bộ, ngành liên quan cũng đã có hướng giải quyết trong thời gian tới. Điều quan trọng là các giải pháp phải đi vào thực tiễn, chứ không chỉ là lý thuyết “suông”…

THANH HUYỀN

Tin cùng chuyên mục
Hơn 420 hộ dân ở xã miền núi Tân Hóa bị ngập sâu trong nước lũ

Hơn 420 hộ dân ở xã miền núi Tân Hóa bị ngập sâu trong nước lũ

Đầu giờ chiều nay (20/9), trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Trương Thanh Duẩn - Chủ tịch UBND xã Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) cho biết: “Hiện toàn xã có 428 hộ dân bị ngập trong nước. Trong đó, các hộ dân ở khu vực Cồn Ba đã ngập sâu 2m”.