Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Pú Nhung trên đường đổi mới

Trương Hữu Thiêm - 08:07, 05/09/2024

Từ ngã ba thị trấn Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, theo Quốc lộ 6 hướng về nơi sương trắng bồng bềnh, đi trên con đường nhựa ngoằn ngoèo có lúc vắt ngang một bản Thái chênh vênh, khi lại uốn mình len lỏi cạnh những thửa ruộng bậc thang. Những tên rừng, tên núi giản dị và độc đáo đến diệu kỳ, nhưng gắn liền với nó là truyền thuyết “Chia đất chia của” thuở lập mường dựng bản, hoặc thiên tình sử “Xống chụ xon xao” từng cuốn hút tâm hồn bao thế hệ người nghe...

Người dân Pú Nhung thu hoạch dứa. (Ảnh TL)
Người dân Pú Nhung thu hoạch dứa. (Ảnh TL)

Đi hết 12 cây số là tới bản Đề Chia A, xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo. Người chúng tôi tìm gặp là ông Vừ Thái Hòa, Trưởng bản Đề Chia A. Trong câu chuyện, Trưởng bản Vừ Thái Hòa chỉ tay lên dãy núi cao phía Đông, nói: Trước kia bản Đề Chia ở trên đó, mỗi gia đình như một cái tổ chim treo lơ lửng cạnh sườn núi. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, giặc Pháp tái chiếm Lai Châu; cuộc đời người Mông ở Pú Nhung cực khổ lắm. Bọn giặc đốt nhà, phá nương, hãm hiếp phụ nữ, đánh đập người già, bắt trai tráng đi lính để chết thay cho chúng, nhưng cũng không ngăn nổi tấm lòng trung kiên, bất khuất của người Mông.

Không thể trốn mãi trên rừng để rồi lại bị bắt, người Mông Pú Nhung đã đoàn kết lại xung quanh Đảng, dưới lá cờ đỏ búa liềm sát cánh cùng các dân tộc anh em khác. Hầm chông, tên thuốc độc, bẫy đá, giáo mác và súng tự tạo của du kích, chống lại quân thù.

Hôm nay, trong niềm xúc động khôn cùng, Trưởng bản Vừ Thái Hòa đau đáu nhìn lên đỉnh Pú Ao, giọng ngậm ngùi: “Anh hùng Vừ A Dính hy sinh ở trên đó!”. Bị rơi vào tay giặc, sau những ngày bị địch tra tấn dã man, Vừ A Dính một mực không khai báo. Bất lực trước khí phách hiên ngang của chàng thiếu niên người Mông, ngày 15/6/1949, thực dân Pháp đã treo ngược anh lên một cành đào, rồi xả súng bắn. Năm ấy Vừ A Dính 15 tuổi, vợ Dính là Sùng Thị Đớ cũng mới 13 tuổi. Sau đó, chúng lùng bắt ông Vừ Trống Lầu - bố đẻ của Vừ A Dính tra tấn ông đến chết trong nhà ngục Lai Châu.

Một tiết học ở Trường THCS Vừ A Dính (xã Pú Nhung) năm học 2023 - 2024.
Một tiết học ở Trường THCS Vừ A Dính (xã Pú Nhung) năm học 2023 - 2024

Giờ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, của các cấp, các ngành, Pú Nhung đang là xã điểm trong số 130 xã, phường của tỉnh Điện Biên. Những năm qua, nhiều chương trình, dự án được đầu tư cho Pú Nhung như: Trạm phát lại truyền hình, trụ sở UBND xã, trường học 2 tầng, trung tâm học tập cộng đồng, đường dây tải điện 35KV, trạm xá, bưu điện... tất cả đều được xây dựng khang trang, hiện đại, quy mô ngang với các xã đứng đầu miền núi.

Ông Sùng Dũng Chía, Người có uy tín nhiều năm ở Pú Nhung, chia sẻ: “Người Mông chúng tôi có câu châm ngôn “Biết gieo không tốn giống, biết sống không tốn lời”. Ở Pú Nhung bây giờ, mọi cái tốt đã trở thành nền nếp nên không phải bàn, phải họp nhiều”. Miệng nói không bằng tay làm, hãy bắt đầu từ Đảng bộ, các đảng viên đã trực tiếp vận động những người cùng huyết thống, cùng dòng họ, đi đầu trong việc phá bỏ tập quán độc canh lạc hậu và thói quen chăn thả tự nhiên, trồng cây dược liệu gồm quế hương và thảo quả, chăn nuôi đàn gia súc trâu, bò, ngựa...

Phát triển sản xuất nông nghiệp là hướng đi căn bản, của bà con người Mông xã Pú Nhung hiện nay.
Phát triển sản xuất nông nghiệp là hướng đi căn bản của bà con người Mông xã Pú Nhung hiện nay

Để có những thông tin mới và chính xác nhất, chúng tôi xin làm việc với ông Vừ A Kỷ, Chủ tịch UBND xã Pú Nhung. Trong căn phòng giản dị của trụ sở Đảng ủy, HĐND và UBND xã, ông Vừ A Kỷ cho biết: Trên mặt trận nông, lâm nghiệp, thắng lợi mà Đảng bộ và Nhân dân xã Pú Nhung đạt được thật đáng phấn khởi. Trong số gần 2.200ha rừng, gồm trẩu, rừng hỗn hợp tái sinh, rừng nguyên sinh... có tới trên 1.000ha rừng đầu nguồn được lực lượng dân quân tuần tra canh gác chặt chẽ. Hầu hết các hộ cá thể được cán bộ khoa học kỹ thuật của Hội Khuyến nông huyện đến tận nhà hướng dẫn miễn phí những kiến thức nuôi trồng tiên tiến. Nhờ vậy, gần 40ha vườn nhà gồm táo, nhãn, mận tam hoa, hồng đơn hạt đã tặng người dân ở đây những mùa quả đầu tiên, với năng suất và chất lượng thật hài lòng.

Với mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng, mỗi năm gia đình ông Sùng Vả Hồ (bản Phiêng Pi) có nguồn thu hàng trăm triệu đồng các loại. Phát huy thế mạnh sở trường là cây đỗ tương, cùng với ngô Biôxít, lúa tẻ Thái Lan, cà phê và gừng xuất khẩu, một màu xanh trù phú trùm lên làng bản thân yêu. Mấy năm gần đây, sản lượng lương thực bình quân đầu người của xã năm sau cao hơn năm trước, nhiều vụ đạt tới gần 500kg, dẫn đầu toàn huyện.

Tác giả và ông Vừ A Kỷ (người ngồi), Chủ tịch UBND xã Pú Nhung; tại trụ sở Đảng ủy, HĐND và UBND xã Pú Nhung.
Tác giả và ông Vừ A Kỷ (người ngồi), Chủ tịch UBND xã Pú Nhung; tại trụ sở Đảng ủy, HĐND và UBND xã Pú Nhung

Tạm biệt Pú Nhung, chúng tôi đi trên con đường quanh co giữa bản, bồi hồi ngắm nhìn những khu vườn đẹp như tranh của các gia đình. Bất chợt, điệu khèn đâu đây vang lên như níu giữ những bàn chân ngập ngừng chẳng muốn dời đi. Tiếng khèn Mông đầy đặn và khoẻ khoắn như nói hộ lòng người Pú Nhung - tấm lòng ơn Đảng và Chính phủ đã đưa người Mông từ thân phận lầm than đến chỗ làm chủ làng bản, làm chủ cuộc đời...

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.