Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phú Yên: Ghi nhận nhiều cá thể voọc chà vá chân xám tại huyện Đồng Xuân

T.Nhân - 17:54, 16/03/2023

Trong khuôn khổ Chương trình nghiên cứu và bảo tồn voọc chà vá chân xám (Pygathrix cinerea) tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) và Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân tiến hành điều tra hiện trạng quần thể loại động vật này ở các khu vực rừng tiềm năng tại xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân).

Sau thời gian tìm các dấu vết, đoàn đã phát hiện các cá thể chà vá chân xám tại các khu rừng ở xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân
Sau thời gian tìm các dấu vết, đoàn đã phát hiện các cá thể chà vá chân xám tại các khu rừng ở xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân

Kết quả điều tra tại lâm phần quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân đã ghi nhận thêm 8 đàn voọc chà vá chân xám, với số lượng ước tính 48 cá thể. Theo ghi nhận, phần lớn diện tích rừng khảo sát có độ che phủ cao, nhiều cây gỗ to đường kính trên 30 cm, nhiều tầng tán; thảm thực vật nguyên sinh. Mức độ đồng đều của sinh cảnh rừng ở khu vực này phù hợp với sinh cảnh sống đặc trưng cho loài voọc chà vá chân xám, tương tự với các khu vực khác như ở Vườn quốc gia Kon Kinh (Gia Lai), khu vực rừng phòng hộ huyện Kon Plong (Kon Tum)…

Để hạn chế, ngăn chặn sớm các hoạt động săn bắn trái phép động vật rừng, lực lượng bảo vệ rừng tại huyện Đồng Xuân tăng cường việc tuần tra tháo gỡ bẫy, lán trại trái phép trong rừng. Đặc biệt là tăng cường tuần tra truy quét tại lâm phần quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân, nơi đã ghi nhận phân bố loài chà vá chân xám và có nhiều tác động từ người dân địa phương. Thực hiện sớm các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân địa phương về giá trị đa dạng sinh học rừng, từ đó ngăn ngừa các hành vi trái phép. Kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ tài nguyên rừng nói chung và các loài quan trọng nói riêng.

Một trong 3 cá thể voọc chà vá chân xám xuất hiện tại khu vực chùa Quang Sơn, xã Hòa Kiến, TP.Tuy Hòa vào ngày 9.2
Một trong 3 cá thể voọc chà vá chân xám xuất hiện tại khu vực chùa Quang Sơn, xã Hòa Kiến, Tp.Tuy Hòa vào ngày 9/2

Trước đó (ngày 9/2), tại khu vực chùa Quang Sơn, xã Hòa Kiến, Tp. Tuy Hòa (Phú Yên) bất ngờ xuất hiện 3 cá thể voọc về lưu trú. Qua kiểm tra, ngành chức năng xác định 3 cá thể trên là voọc chà vá chân xám (tên khoa học Pygathrix cinerea). Đây là động vật nguy cấp, quý, hiếm, thuộc nhóm IB, theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên đã có văn bản đề nghị Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Tp. Tuy Hòa phối hợp các ngành, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, bảo vệ voọc chà vá chân xám theo đúng quy định.

Tin cùng chuyên mục
Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Nhờ sử dụng đạt hiệu quả cao nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), huyện An Lão (Bình Định) đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo.