Nhiều chủ trương, chính sách đối với công tác phụ nữ
Phát biểu tại cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Chính phủ với đại diện nữ lãnh đạo, quản lý các cơ quan Trung ương và trao Giải thưởng Kovalevskaia, nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ, diễn ra chiều 7/3, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam Hà Thị Nga nêu rõ: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy bình đẳng giới, quan tâm phát triển mọi mặt cho phụ nữ, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ nữ nâng cao trình độ mọi mặt, phát huy năng lực sáng tạo và có những đóng góp xứng đáng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trong đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn đối với công tác phụ nữ như Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Kết luận số 55 của Ban Bí thư (khóa XI), Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư (khóa XII); Chỉ thị số 06 của Ban Bí thư (khóa XIII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới…
Đồng thời, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 được Chính phủ ban hành và chỉ đạo thực hiện với nhiều chỉ tiêu cụ thể, nhiệm vụ cụ thể; các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai quyết liệt từ cấp Trung ương đến địa phương, trong đó có những nội dung, giải pháp thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề liên quan đến nhu cầu thiết thân của phụ nữ và trẻ em.
Sự quan tâm của Chính phủ dành cho công tác phụ nữ được cụ thể hóa thông qua việc Thủ tướng chủ trì Hội nghị đối thoại với phụ nữ Việt Nam với chủ đề "Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển KT-XH".
Ở các địa phương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố cũng tổ chức hoạt động gặp gỡ, đối thoại với phụ nữ, qua đó nắm bắt thực tiễn, kịp thời có giải pháp tháo gỡ những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới tại địa phương.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đề nghị, cần tiếp tục tạo cơ chế, chính sách để phụ nữ phát huy vai trò trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án của Chính phủ, đặc biệt là dự án số 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết liên quan đến phụ nữ và trẻ em" trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Đặc biệt, ngay trong những ngày đầu năm 2023, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030", đây là một sự khởi đầu rất ý nghĩa đối với phụ nữ cả nước trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Xác định 2 đột phá chiến lược đối với công tác phụ nữ
Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga, phụ nữ cả nước rất vui mừng khi được thụ hưởng những kết quả tốt đẹp từ các chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đồng thời, tự hào là một lực lượng quan trọng đóng góp vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.
Trước sự quan tâm đó của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp Hội LHPN Việt Nam đang tích cực đổi mới phương thức hoạt động, ngày càng chủ động, sáng tạo, bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của địa phương, đơn vị để cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp công tác Hội.
Đó là tập trung xây dựng, củng cố tổ chức Hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, hướng đến sự hài lòng của phụ nữ. Theo đó, Hội đã xác định 2 đột phá của nhiệm kỳ 2022 - 2027 là "Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin" và "Tập trung xây dựng cơ sở Hội vững mạnh", lựa chọn chủ đề năm 2023 "Tập trung xây dựng cơ sở Hội vững mạnh, trọng tâm là nâng cao năng lực cán bộ Hội cơ sở".
Tăng cường thực hiện hiệu quả và phát huy cơ chế phối hợp ngang với các bộ, ngành, đoàn thể và dọc với các địa phương để chăm lo, phát huy các lực lượng phụ nữ; triển khai các chương trình, đề án, dự án của Chính phủ; thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, góp ý kiến xây dựng luật pháp, chính sách như các Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi, bổ sung), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Đất đai (sửa đổi, bổ sung).
Chủ động tham mưu công tác cán bộ nữ, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ nữ, nữ đại biểu dân cử; thúc đẩy xã hội thực hiện bình đẳng giới… Thông qua các hoạt động, các phong trào thi đua, các tầng lớp phụ nữ đã không ngừng nỗ lực rèn luyện, cống hiến, tận tụy lao động, sáng tạo, tiếp tục nâng cao trình độ về mọi mặt để vươn lên trong công việc và cuộc sống. Nhiều chị là tấm gương điển hình, được ghi nhận, truyền cảm hứng cho phụ nữ và cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ có thêm động lực, nhiệt huyết và quyết tâm để tiếp bước các thế hệ đi trước.
Ở các cơ quan Trung ương, đội ngũ cán bộ nữ ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế và tiềm năng, nhiều chị được bổ nhiệm giữ vị trí lãnh đạo cấp vụ trở lên, đặc biệt là được đảm nhiệm vị trí lãnh đạo chủ chốt ở ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương.
Một trong những hình thức vinh danh, ghi nhận sự cống hiến của phụ nữ Việt Nam chính là Giải thưởng Kovalevskaia. Đây là giải thưởng uy tín lớn dành cho các nhà khoa học nữ đạt nhiều thành tích trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học tự nhiên, đã được duy trì trong 37 năm qua với 21 tập thể và 52 cá nhân nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực khoa học tự nhiên. Bằng tài năng, trí tuệ và sức lực của mình, các chị đã hoàn thành xuất sắc hàng trăm đề tài nghiên cứu phục vụ cuộc sống.
Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Lễ trao Giải thưởng Kovalevskaia lần đầu tiên được tổ chức tại Trụ sở Chính phủ, được Thủ tướng Chính phủ dự và trực tiếp trao tặng trong không khí trang trọng, ấm cúng, với sự chứng kiến, chia vui của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các chị nữ lãnh đạo, quản lý các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương là sự động viên, khích lệ rất lớn đối với tập thể, cá nhân nhận giải nói riêng và đối với Hội LHPN Việt Nam và phụ nữ cả nước nói chung.
Phụ nữ còn đối mặt nhiều thách thức trong xã hội
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác phụ nữ và cán bộ nữ còn những khó khăn, hạn chế như tỉ lệ cán bộ nữ tham gia vào các vị trí cấp chiến lược còn thấp so với tiềm năng và nguồn lực cán bộ nữ trong hệ thống chính trị. Theo đánh giá gần đây cho thấy trong 10 năm qua (2012 - 2022), mặc dù trung bình nữ giới chiếm 40% cán bộ các cấp bộ, nhưng họ chỉ nắm giữ khoảng 21% các vị trí lãnh đạo chủ chốt.
Trên thực tế, chỉ số khoảng cách giới của Việt Nam năm 2022 đứng thứ 83, nhưng xét về khoảng cách giới trong tham chính thì Việt Nam đứng thứ 106 trong số 146 nước.
Từ những thực trạng đó, bên cạnh sự cố gắng của các cấp Hội Phụ nữ, rất cần sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Bà Hà Thị Nga cho rằng, năm 2023 là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai các nội dung hoạt động nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII.
Hội LHPN Việt Nam đang đẩy mạnh triển khai các chương trình, hoạt động cụ thể tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện với nhiều cách thức sáng tạo, linh hoạt.
Tích cực tham gia triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là thực hiện tốt vai trò chủ trì triển khai Dự án 8 trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 bảo đảm hiệu quả thiết thực.
Tiếp tục bám sát định hướng của Chính phủ thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện, cùng với chủ đề Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2023 do Liên Hợp Quốc chọn là "Chuyển đổi số cho tất cả mọi người: Sáng tạo và công nghệ cho bình đẳng giới" để hoàn thiện Đề án "Ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới chuyển đổi số nhằm đổi mới phương thức hoạt động Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2023 - 2027 và những năm tiếp theo".
Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị ở cơ sở.