Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Trang địa phương

Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu): Doanh nghiệp lấn sông, chặn đường sống của dân

Lê Thuận – Nguyễn Lộc - 15:32, 06/07/2021

Hàng chục hộ dân ở thôn Cát Hải , xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang gặp khó khăn khi sản lượng đánh bắt hải sản sụt giảm 90%. Nguyên nhân là do doanh nghiệp ngăn đê, khai thác cảng ảnh hưởng cuộc sống của dân, khiến họ muốn sống với nghề phải đi xa tới Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) hoặc biển Bình Thuận để đánh bắt hải sản.

Tàu bè của dân nằm phơi mình không thể khai thác thuỷ sản khi sông Rạng bị san lấp
Tàu bè của dân nằm phơi mình không thể khai thác thuỷ sản khi sông Rạng bị san lấp

Mưu sinh ngày càng vất vả

Gần đây, các hộ dân thôn Cát Hải liên tục phản ánh đến chính quyền địa phương về việc, Công ty TNHH TLC Vũng Tàu và Công ty TNHH Cát Việt trong quá trình xây dựng bến thủy nội địa, trạm trộn bê tông và nạo vét, lấp cả đoạn nhánh sông Rạng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đánh bắt hải sản của dân.

Bà N.T.T. (xin giấu tên), thôn Cát Hải, cho biết, suốt thời qua Công ty TLC Vũng Tàu nạo vét khúc sông Rạng để làm mặt bằng xây dựng cảng, bến thủy nội địa làm thay đổi môi trường sống của các loài thủy sản. Người dân khu vực này sống bằng nghề đánh bắt thủy sản, giờ không làm được nữa, cuộc sống rất bấp bênh.

Nghề đánh bắt gần bờ của người dân thôn Cát Hải đã có từ lâu, chủ yếu là rập ghẹ, lưới xếp, đăng đáy gần bờ, thu nhập tương đối ổn định. Mỗi ngày, những hộ dân vẫn đánh lưới kiếm đủ tiền nuôi sống gia đình, vợ con. Từ khi doanh nghiệp thi công cảng nội địa này, thì những hộ dân ở đây không làm ăn được nữa.

Ông H.C., thôn Cát Hải, xã Tân Hải năm nay đã gần 70 tuổi, nhưng vẫn phải theo nghề chài lưới vốn đã gắn bó mấy chục năm qua. Ông bảo, trước đây hải sản khu vực này nhiều lắm. Nhưng từ khi các công ty về làm cảng nội địa, lấn sông, làm cuộc sống đảo lộn hết. 

"Giờ không còn cá tôm để đánh bắt, nên người dân ở đây rất hoang mang, lo lắng. Tui phải chạy ghe qua tận Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) hoặc xa hơn để đánh bắt mới có cái ăn…", ông C., nói.

Từ khi các doanh nghiệp lấn sông làm cảng thuỷ nội địa, lòng sông bị thu hẹp lại, khiến cho tàu bè không thể lưu thông. Những người đánh bắt, khai thác gần bờ phải phơi lưới suốt nhiều tháng qua không thể làm ăn gì được. Môi trường tự nhiên bị biến đổi; sản lượng đánh bắt giảm xuống 90%, không còn cá để đánh bắt.

Được biết, các hộ dân bị ảnh hưởng đã liên tục gửi đơn kêu cứu lên chính quyền địa phương tìm cách giải quyết, hỗ trợ cho dân. Tuy nhiên, đến nay mọi đơn thư đều rơi vào vô vọng

Dự án cảng thuỷ nội địa tạm thời lấn sông khiến thuỷ hải sản sụt giảm
Dự án cảng thuỷ nội địa tạm thời lấn sông khiến thuỷ hải sản sụt giảm

Lấp sông, hút cát khi chưa đánh giá tác động môi trường

Theo những người dân sinh sống ở đây, ngoài việc lấp sông làm cảng thuỷ nội địa, thì các doanh nghiệp còn nạo vét, hút cát cho tàu lớn chạy. Trong quá trình thực hiện xây dựng cảng thủy nội địa, Công ty TNHH TLC Vũng Tàu đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt, môi trường nghiêm trọng. Giờ đây, Công ty TNHH Cát Việt thường xuyên thực hiện việc nạo vét, hút cát vào ban đêm.

Từ khi các công ty về khu vực này lấp sông làm cảng thì bà con ngư dân ở đây cụt đường sống. Tôi lớn tuổi không thể làm công nhân, cuộc sống bị ảnh hưởng nặng nề.

Bà N.T.C. (xin giấu tên)Người dân thôn Cát Hải

Trong quá trình điều tra, chúng tôi phát hiện năm 2019, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mới đồng ý chủ trương cho phép Công ty TNHH TLC Vũng Tàu xây dựng bến thủy nội địa tạm thời và nạo vét đoạn nhánh sông Rạng, vùng nước trước bến để phương tiện ra vào thuận lợi, an toàn. 

Sau đó, UBND thị xã Phú Mỹ chấp thuận chủ trương sử dụng đường Dòng Than, thôn Cát Hải, xã Tân Hải để vận chuyển vật liệu xây dựng và máy móc, thiết bị phục vụ việc xây dựng bến thủy nội địa.

Tuy nhiên, mãi đến ngày 25/01/2021, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới chính thức cấp giấy phép hoạt động tạm cảng thủy nội địa TLC, với diện tích khoảng 35.425m2. Phạm vi vùng nước có chiều dài 180m dọc theo bờ; chiều rộng 40m từ mép ngoài cầu bến trở ra sông, tổng diện tích khoảng 7.200m2. Thời gian hoạt động đến ngày 21/01/2022.

Thế nhưng, Công ty TNHH TLC Vũng Tàu và Công ty TNHH Cát Việt (trụ sở ở đường Hoàng Sa, ấp Láng Cát, xã Tân Hải, TX.Phú Mỹ, tỉnh bà Rịa - Vũng Tàu) đã cùng nhau xây dựng cảng, nạo vét, hút cát đoạn nhánh sông Rạng suốt thời gian dài khi chưa được cấp phép. 

Theo thông tin chúng tôi có được thì đến nay, dự án này vẫn còn thiếu báo cáo đánh giá tác động môi trường, nên về nguyên tắc chưa được thực hiện nạo vét. Thế nhưng hoạt động nạo vét, hút cát diễn ra suốt thời gian dài làm dòng chảy bị thu hẹp, khiến cho thuỷ hải sản tự nhiên biến mất.

Những ụ cát nằm trên cảng tạm lấn cả ra vùng sông
Những ụ cát nằm trên cảng tạm lấn cả ra vùng sông

Hiện nay, dự án vẫn đang san lấp được khoảng 60%. Cho nên hàng ngày có rất nhiều xe ben tải trọng lớn, vận chuyển cát chạy trên đường đê ngăn mặn quốc gia khiến nhiều đoạn đường trên bị hư hỏng, xuống cấp. Trước đây, con đường này cấm xe tải trên 8 tấn lưu thông, nhưng giờ Công ty TNHH TLC Vũng Tàu đã xin cho xe ben mấy chục tấn chạy qua khu dân cư, khiến đất đá bụi mù, làm ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, khu vực người dân sinh đông đúc, rất dễ gây tai nạn giao thông.

Vì sao doanh nghiệp khai thác cảng nội địa ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và người dân liên tục kêu cứu chính quyền can thiệp, nhằm giảm bớt thiệt hại nhưng mãi không được giải quyết. Câu trả lời này xin gửi đến lãnh đạo UBND thị xã Phú Mỹ và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu...

Tin cùng chuyên mục
Bắc Kạn: Hơn 70 người nhập viện chưa rõ nguyên nhân

Bắc Kạn: Hơn 70 người nhập viện chưa rõ nguyên nhân

Từ ngày 20 đến sáng 21/9, tại xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn (Bắc Kạn) đã có 70 người phải nhập viện với biểu hiện nôn, sốt, đau bụng, đau đầu. Chưa có trường hợp nào nguy kịch, nhưng hiện chưa rõ nguyên nhân gây nên tình trạng này.