Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em vùng DTTS ở Gia Lai: Còn nhiều trăn trở (Bài 1)

Hòa Bình - 05:15, 28/11/2023

Những năm qua, mặc dù công tác phòng, chống suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em tại tỉnh Gia Lai được chú trọng. Tuy nhiên, Gia Lai vẫn là một trong những địa phương có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD thể nhẹ cân và tỷ lệ SDD thể thấp còi cao so với mức trung bình của cả nước. Thực tế này, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm hành động của cả hệ thống chính trị, hướng tới dinh dưỡng hợp lý và tăng cường sức khỏe cho cộng đồng, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người dân toàn tỉnh trong thời gian tới.

Gia Lai là một trong những địa phương có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cao so với trung bình cả nước
Gia Lai là một trong những địa phương có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cao so với trung bình cả nước

Hơn 6.000 trẻ SDD cấp tính nặng mỗi năm

 Cụ thể, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD thể nhẹ cân giảm từ 23,2% (năm 2017) xuống còn 22,5% (năm 2022); tỷ lệ SDD thể thấp còi giảm từ 34,6% (năm 2017) xuống còn 29,9% (năm 2022). Trong khi đó, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD thể nhẹ cân toàn quốc năm 2020 là 11,6% và tỷ lệ SDD thể thấp còi là 19,5%.

Theo thống kê, ước tính mỗi năm Gia Lai có khoảng 6.097 trẻ SDD cấp tính nặng nhưng chỉ có 171 trẻ được thu dung điều trị ngoại trú trong 3 năm dự án. Trẻ SDD nặng cấp tính rơi vào các gia đình đồng bào DTTS, hộ nghèo không có tiền để mua sản phẩm điều trị. Hiệu quả của việc điều trị SDD giai đoạn 2017 - 2021 hạn chế về số trẻ thoát suy vì sản phẩm điều trị bị gián đoạn, nên trẻ tái SDD trở lại chiếm tỷ lệ 2 %...

Huyện Mang Yang là một trong những địa phương có tỷ lệ trẻ SDD cao. Đặc biệt là vùng sâu, vùng đồng bào DTTS. Trong đó, SDD thể nhẹ cân chiếm 18,4% và thể thấp còi chiếm 24,6%. Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng SDD tại địa phương, bà Đỗ Thị Thu - cán bộ phụ trách chương trình dinh dưỡng (Trung tâm Y tế huyện Mang Yang) cho biết: Nhiều gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS kinh tế còn khó khăn nên bữa ăn hàng ngày chưa đảm bảo dinh dưỡng. Đặc biệt, vào mùa giáp hạt, cha mẹ đi làm thường xuyên nên con cái không được chăm sóc chu đáo.

Các bà mẹ vùng đồng bào DTTS rất cần được trang bị kiến thức chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em
Các bà mẹ vùng đồng bào DTTS rất cần được trang bị kiến thức chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em

Cùng với đó, trong thời kỳ mang thai, nhiều bà mẹ cũng chưa có kiến thức về chăm sóc thai kỳ dẫn đến khi trẻ sinh ra bị thiếu cân, chậm phát triển, hấp thu dinh dưỡng kém…

Chị Y Chín (làng A, xã Gào, TP. Pleiku) rất lo lắng khi con trai gần 7 tháng tuổi nhưng chỉ cân nặng hơn 5 kg. Chị chia sẻ: “Lúc mang thai, mình ăn uống không đủ chất lại phải lao động nặng nhọc nên sinh con thiếu cân. Hiện nay, cháu bị suy dinh dưỡng. Ngoài ra, cháu cũng hay đau ốm nên nuôi hoài mà chậm lớn”.

Còn chị H’Ngan (làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) buồn nói: “Con mình gần 9 tháng tuổi nhưng chỉ cân nặng có 6 kg. Cháu bú sữa mẹ, đến tuổi ăn dặm thì cho ăn thêm cháo gói mua sẵn. Vừa rồi, cháu bị bệnh đưa vào Trung tâm Y tế huyện Mang Yang điều trị, bác sĩ cho biết cháu bị viêm phổi kèm tiêu chảy thiếu máu và bị SDD”.

Thiếu kiến thức trong chăm sóc trẻ

Theo bác sĩ Rmah Din, Phó Trưởng Khoa Nội tổng hợp - Y học cổ truyền, Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai, cho biết: Đa số trẻ SDD nhập viện điều trị là trẻ vùng đồng bào DTTS; trung bình cứ 5 cháu thì có 1 cháu SDD. 

Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi SDD tại Gia Lai còn cao, đó là do cách chăm sóc trẻ 1.000 ngày đầu đời chưa được chú trọng, thiếu kiến thức trong chăm sóc trẻ, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Ngoài ra, nhiều gia đình do kinh tế khó khăn nên chưa chú tâm chăm sóc, thiếu kiến thức trong chế biến thực đơn nên bữa ăn chưa đảm bảo chất và lượng, dẫn đến trẻ nhẹ cân thiếu ký, lâu dần SDD.

Mặt khác, do phong tục tập quán của đồng bào DTTS “trời sinh, trời dưỡng” hay cho ăn dặm sớm, không đúng cách dẫn đến tỷ lệ trẻ bị SDD thể thấp còi trên địa bàn còn cao.

Công tác phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em vùng cao, vùng DTTS cần được các cấp, ngành chức năng chú trọng quan tâm
Công tác phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em vùng cao, vùng DTTS cần được các cấp, ngành chức năng chú trọng quan tâm

Cùng với đó, nguồn nhân lực thực hiện chương trình dinh dưỡng còn thiếu, mạng lưới cán bộ làm công tác dinh dưỡng chưa đáp ứng yêu cầu. Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương về dinh dưỡng còn hạn chế. Sự phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, thiếu chính sách hỗ trợ cần thiết cho hoạt động của chương trình dinh dưỡng. Nhận thức và thực hành về dinh dưỡng hợp lý của cộng đồng còn thấp.

Vào cuối năm 2022, Đoàn giám sát, đánh giá về mô hình, giải pháp hiệu quả trong điều trị suy dinh dưỡng (SDD) cấp tính nặng cho trẻ em của Bộ Y tế đã có buổi làm việc với Sở Y tế tỉnh Gia Lai. 

Về tình hình điều trị cho trẻ em SDD cấp tính nặng trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ông Đinh Hà Nam, Phó giám đốc Sở Y tế Gia Lai thông tin: Gia Lai vẫn là một trong những tỉnh có tỷ lệ SDD ở trẻ em cao hơn nhiều so với tỷ lệ chung của toàn quốc, tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn ở phụ nữ tuổi sinh đẻ, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng và thiếu máu phụ nữ mang thai và ở trẻ em vẫn còn ở mức cao.

 Nguồn nhân lực thực hiện các chương trình dinh dưỡng còn thiếu, mạng lưới cán bộ làm công tác dinh dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu. Các thách thức trong bối cảnh mới tiếp tục đòi hỏi những nỗ lực cao trong hành động của các cấp ủy Đảng, Chính quyền và các ban, ngành các cấp của tỉnh, hướng tới dinh dưỡng hợp lý và tăng cường sức khỏe cho cộng đồng, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người dân toàn tỉnh trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.