Theo báo cáo, ngân sách Trung ương năm 2024 hỗ trợ thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) vùng Tây Nguyên là hơn 5.542 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển hơn 3.423 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 2.118 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương vùng Tây Nguyên đã giao hơn 3.227 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, đạt tỷ lệ 90% kế hoạch, phân bổ chi tiết dự toán vốn sự nghiệp đạt tỷ lệ 100%. Ngoài ra, các địa phương cũng đã bố trí đối ứng ngân sách địa phương để thực hiện 3 Chương trình MTQG với tổng số khoảng 1.574 tỷ đồng.
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/6/2024, các tỉnh vùng tây Nguyên giải ngân vốn đầu tư công ước đạt khoảng 1.532 tỷ đồng, đạt 36,45% kế hoạch, ngang bằng với kết quả giải ngân các Chương trình MTQG của cả nước (36%), cao hơn tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước (29,39%) và so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả giải ngân của từng Chương trình MTQG vùng Tây Nguyên tương đối cân bằng. Đối với vốn sự nghiệp, đến ngày 31/5, vùng Tây Nguyên giải ngân ước đạt 95 tỷ đồng, đạt 4,4% dự toán, thấp hơn so với giải ngân vốn sự nghiệp của cả nước (5%).
Đến nay, khu vực Tây Nguyên có khoảng 373 xã có quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 16 tiêu chí/xã. Toàn vùng có 10 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng năm 2024 ước đạt giảm 3 - 4%.
Riêng Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng Tây Nguyên cơ bản hoàn thành 4/7 nhóm mục tiêu, gồm: Tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS; mục tiêu về công tác giáo dục; mục tiêu lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS và đặc thù vùng đồng bào DTTS và miền núi; nhóm mục tiêu về bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.
Đối với Nghị quyết 111/2024/QH15, sau khi nghị quyết được ban hành, các tỉnh Tây Nguyên đã tích cực triển khai thực hiện. Cụ thể, tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai đã bàn hành văn bản điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư ngân sách nhà nước; báo cáo cấp có thẩm quyền để chủ động bố trí vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cho đối tượng chính sách thuộc các Chương trình MTQG; các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng đã ban hành nghị quyết lựa chọn huyện thí điểm phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình MTQG giai đoạn 2024 - 2025. Nhờ triển khai Nghị quyết 111 mà kết quả giải ngân vốn đầu tư thuộc các Chương trình MTQG năm 2024 đạt tỷ lệ cao hơn mặt bằng chung của cả nước.
Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận các vấn đề về khó khăn trong quá trình thực hiện các Chương trình MTQG gồm nhóm khó khăn về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2024 - 2025; hỗ trợ phát triển sản xuất và cơ chế đặc thù về quản lý, sử dụng tài sản hình thành trong dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và các khó khăn vướng mắc khác.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận ý kiến, đề xuất của các địa phương. Đồng thời nhấn mạnh, nguồn vốn sự nghiệp ở 5 tỉnh Tây Nguyên có thể không lớn bằng vốn đầu tư công nhưng nó cực kỳ quan trọng vì vốn sự nghiệp chủ yếu là để hỗ trợ trực tiếp cho người dân, thâm nhập từng buôn làng vùng sâu, vùng xa.
Trong 3 năm phân khai tổng vốn sự nghiệp, đến thời điểm này, các tỉnh Tây Nguyên mới giải ngân gần 30% kế hoạch. Nhiệm vụ trong năm nay, các địa phương trong khu vực phải giải ngân được 70% vốn sự nghiệp. Việc giải ngân vốn thực hiện các Chương trình MTQG sẽ là cơ sở đánh giá để giao vốn cho các địa phương trong nhiệm kỳ sau, các địa phương cần tích cực hơn để hoàn thành nhiệm vụ.