Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phó Thủ tướng tiếp các đoàn quốc tế dự Festival lúa gạo 2023

PV - 19:00, 12/12/2023

Chiều ngày 12/12, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã tiếp Trưởng đoàn các nước, các đại sứ, lãnh đạo các tổ chức quốc tế tham dự Festival quốc tế lúa gạo Việt Nam 2023 tại TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tiếp Trưởng đoàn các nước, các đại sứ dự Festival quốc tế lúa gạo Việt Nam 2023 - Ảnh: VGP/Hải Minh
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tiếp Trưởng đoàn các nước, các đại sứ dự Festival quốc tế lúa gạo Việt Nam 2023 - Ảnh: VGP/Hải Minh

Cùng dự buổi tiếp có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành, lãnh đạo và đại diện một số bộ, ngành.

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng chào mừng và đánh giá cao sự hiện diện của Trưởng đoàn các nước, các đại sứ, lãnh đạo các tổ chức quốc tế tại Festival quốc tế lúa gạo Việt Nam 2023, nhấn mạnh Festival là cơ hội tốt để Việt Nam cùng các nước, các tổ chức quốc tế trao đổi những nội dung hợp tác thiết thực trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng trở thành thách thức lớn đối với nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia phải có cách tiếp cận mới và tăng cường hợp tác.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp nhằm mục tiêu nâng cao thu nhập cho người nông dân-vốn được coi là nhóm có thu nhập thấp, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu, đồng thời góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050 như đã cam kết.

Phó Thủ tướng mong muốn các nước, các tổ chức quốc tế tăng cường hợp tác với Việt Nam để triển khai thành công Đề án trên; khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác với các nước vì sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp nói chung cũng như vì thành công Đề án nêu trên.

Trưởng đoàn, Đại sứ các nước, lãnh đạo các tổ chức quốc tế đánh giá cao thành tựu phát triển nông nghiệp của Việt Nam cũng như tầm nhìn và tham vọng của Chính phủ Việt Nam trong việc triển khai Đề án.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Trưởng đoàn các nước, các đại sứ dự Festival quốc tế lúa gạo Việt Nam 2023 - Ảnh: VGP/Hải Minh
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Trưởng đoàn các nước, các đại sứ dự Festival quốc tế lúa gạo Việt Nam 2023 - Ảnh: VGP/Hải Minh

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển chăn nuôi Nepal Bedu Ram Bhusal cho biết dù sản lượng lúa gạo của Nepal đã tăng 24% trong 20 năm qua nhưng Nepal vẫn phải nhập khẩu gạo.

Bộ trưởng khẳng định Nepal coi Việt Nam là hình mẫu trong phát triển nông nghiệp khi gia tăng nhanh được sản xuất, chế biến, tiếp cận thị trường nhờ những chính sách, mô hình hiệu quả; bày tỏ mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác với Nepal, trong đó có trao đổi giống năng suất cao và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Đất đai Venezuela Wilmar Castro Soteldo cảm ơn Việt Nam đã giúp Venezuela đủ khả năng sản xuất 5 giống lúa với năng suất và hàm lượng dinh dưỡng tốt; mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam để phát triển những giống lúa mới và sản xuất nông nghiệp xanh; khẳng định sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong sản xuất đậu xanh – lĩnh vực Venezuela có thế mạnh.

Theo Bộ NN&PTNT Việt Nam, hai bên đang trong quá trình hoàn tất công tác chuẩn bị để ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Leocadio Sebastian đánh giá cao vai trò và thành tựu của ngành nông nghiệp Việt Nam, nhất là trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19; vai trò của Việt Nam trong hợp tác Nam-Nam; cũng như chất lượng và giá cả gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Philippines mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong cải thiện năng suất, chất lượng, không chỉ với Philippines mà còn với các nước khác.

Thứ trưởng Nông nghiệp, Lâm nghiệp và An ninh lương thực Sierra Leone Sahr Hemore cho biết Sierra Leone có 4,5 triệu ha sản xuất lúa nhưng sản lượng thấp, giá lúa gạo rất bếp bênh, mỗi năm chỉ canh tác được một vụ do không đủ nước tưới, làm cho ngành nông nghiệp phát triển không ổn định, mỗi năm phải bỏ nhiều tiền để nhập khẩu gạo.

Sierra Leone bày tỏ ấn tượng với khả năng xử lý thách thức trong phát triển nông nghiệp của Việt Nam, đề nghị Việt Nam giúp tham gia mô hình hợp tác Nam-Nam để hỗ trợ Sierra Leone làm chủ công nghệ sản xuất, phát triển chuỗi giá trị gạo, ứng dụng quy trình sản xuất tốt trong nông nghiệp, và tăng cường năng lực của nông dân.

Sierra Leone cũng mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm chuyển mình từ một nước thiếu gạo thành nước xuất khẩu gạo cũng như phát huy vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực này.

Đại sứ các nước Australia, Canada khẳng định sẽ tiếp tục chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật; đồng thời tiếp tục triển khai các dự án giúp Việt Nam phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Lãnh đạo các tổ chức quốc tế cho rằng với việc triển khai Đề án, Việt Nam đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ về nỗ lực xử lý cùng lúc hai nhiệm vụ là bảo đảm an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu; nhấn mạnh Đề án sẽ góp phần định hình ngành nông nghiệp Việt Nam trong thập kỷ tới.

Các tổ chức quốc tế đều cam kết ủng hộ và tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm nguồn vốn và hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam phát triển ngành nông nghiệp xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là các dự án liên tỉnh./.


Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.