Bà có thể cho biết, những kết quả quan trọng nhất của quá trình triển khai thực hiện các chính sách dân tộc (CSDT) trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong thời gian qua ?
Vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Có thể khẳng định, chính sách dân tộc luôn được quán triệt và triển khai thực hiện nhất quán trong suốt thời gian qua theo nguyên tắc: Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ trên tinh thần tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau, hướng tới mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đối với Lào Cai, đồng bào các DTTS chiếm 66,2% dân số toàn tỉnh. Vấn đề dân tộc, CSDT luôn được Đảng bộ và chính quyền các cấp của tỉnh đặc biệt quan tâm. Cùng với việc thực hiện tốt các CSDT của Đảng và Nhà nước, tỉnh Lào Cai đã ban hành các chính sách của tỉnh để tập trung phát triển kinh tế - xã hội, chủ yếu các chính sách đều hướng tới vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
Giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh đã ban hành 162 Nghị quyết về cơ chế chính sách. Trong giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Lào Cai tiếp tục thực hiện 133 chính sách, ban hành mới một số chính sách phù hợp với định hướng phát triển và yêu cầu thực tiễn của địa phương.
Các chính sách của tỉnh tập trung vào một số lĩnh vực khuyến khích phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ vay vốn cho nhân dân các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, chính sách phát triển du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế....
Những chính sách của địa phương đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, vùng đồng bào DTTS, giúp nâng cao đời sống cho Nhân dân, xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh bình quân đạt trên 5%/năm; đến nay hộ nghèo còn 8,2%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 99%;...
Đến nay 100% xã và 98% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm; 100% thôn có điện lưới quốc gia, 97% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 95% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% hộ gia đình được xóa nhà tạm. Toàn tỉnh có 61/127 xã hoàn thành nông thôn mới đạt 48,03% tổng số xã. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 29 triệu đồng/năm. Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch từ lĩnh vực Nông nghiệp sang Công nghiệp xây dựng và Du lịch dịch vụ.
Khó khăn, vướng mắc lớn nhất trong quá trình triển khai thực hiện chính sách dân tộc là gì, thưa bà?
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện các chính sách dân tộc tại tỉnh cũng còn có những khó khăn như: Đồng bào các DTTS sinh sống chủ yếu ở vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các dân tộc không đồng đều nên việc tiếp nhận và ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ còn hạn chế, do vậy đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để vươn lên, chưa sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, CSDT hiện nay vẫn chủ yếu là các chính sách hỗ trợ trực tiếp, chưa có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ có điều kiện, với mục đích cung cấp kỹ năng, tự tạo sinh kế bền vững cho đồng bào các DTTS. Bởi vậy, một bộ phận người dân vẫn còn mang tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không muốn vươn lên để thoát nghèo.
Nguồn lực đầu tư phát triển vùng DTTS còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Việc phát huy nội lực của Nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện chính sách dân tộc chưa cao. Số lượng cán bộ là người DTTS chưa tương xứng với cơ cấu dân số, dù cấp ủy, chính quyền địa phương đã rất quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ là đồng bào DTTS.
Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; để đạt được hiệu quả như mục tiêu của chương trình đề ra, tỉnh Lào Cai đã có những bước chuẩn bị như thế nào, thưa Phó Chủ tịch?
Để Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đạt hiệu quả, thời gian tới, Đảng bộ và Chính quyền tỉnh Lào Cai triển khai những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tập trung tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, nhất là Nghị Quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 12/NQ-CP thực hiện Nghị Quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội. Bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho đồng bào các DTTS tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Lào Cai về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc.
Hai là, tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh Lào Cai đã thành lập Ban Chỉ đạo; trong đó, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban Chỉ đạo, các thành viên là Giám đốc các sở ngành, đoàn thể liên quan và Chủ tịch UBND cấp huyện. Tập trung đào tạo, bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc ở các cấp.
Ba là, rà soát các chính sách liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi, chính sách dân tộc của tỉnh kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản có liên quan không còn phù hợp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án.
Đây là những bước chuẩn bị hết sức cần thiết để khi Trung ương bố trí nguồn lực và có hướng dẫn cụ thể thì tỉnh Lào Cai có thể tiến hành triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 một cách chủ động, hiệu quả.
Thưa bà, với đặc thù tỉnh vùng cao biên giới, khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, tỉnh Lào Cai sẽ ưu tiên lựa chọn lĩnh vực đầu tư như thế nào?
Tỉnh Lào Cai xác định, những vấn đề tạo sinh kế và ổn định đời sống cho đồng bào là vấn đề cốt lõi. Theo đó, tập trung giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào DTTS, trọng tâm là đồng bào các xã khu vực III, các thôn vùng đặc biệt khó khăn. Tập trung xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới; đẩy mạnh việc tiếp nhận và ứng dụng khoa học công nghệ, từng bước chuyển sản xuất nông nghiệp truyền thống sang liên kết sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị. Phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích; từ đó, góp phần cho việc chuyển dịch cơ cấu lao động trong vùng đồng bào DTTS.
Đồng thời, tỉnh cũng ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Làm tốt công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng các cụm dân cư tập trung gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Ưu tiên phát triển giáo dục đào tạo, dạy nghề cho đồng bào dân tộc, nhất là thanh niên DTTS; quy hoạch sắp xếp, dân cư gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng. Bởi đây chính là chìa khóa giúp đồng bào giảm nghèo bền vững.
Trân trọng cảm ơn bà!