Từ nhiều tháng nay, gia đình chị Nguyễn Thị Hà ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) luôn háo hức chờ đến 21h00 các ngày từ thứ hai đến thứ sáu trong tuần để được đón xem các tập của bộ phim “Hương vị tình thân” trên kênh VTV1. Chị Hà chia sẻ: “Mọi người trong gia đình tôi đều thích xem bộ phim này. Kịch bản phim rất gần gũi với đời sống xã hội; việc giải quyết các tình huống trong phim khá linh hoạt, phù hợp”.
Cũng thường xuyên xem phim truyền hình Việt Nam, chị Lê Thu Thủy ở thành phố Hòa Bình (Hòa Bình) đánh giá: “Phim truyền hình gần đây ngày càng đa dạng và hấp dẫn. Bên cạnh thể loại giải trí nhẹ nhàng về tình yêu, gia đình, thì những phim nghề nghiệp chuyên biệt như thẩm phán, bác sĩ, phi công, chiến sĩ biên phòng, công an, kiểm sát viên… đã đem đến sự mới mẻ, háo hức cho người xem. Diễn biến phim truyền hình Việt Nam, diễn xuất của diễn viên... đã là chủ đề trao đổi thu hút rất nhiều người trên các diễn đàn xã hội”.
Thực tế, thời điểm gần đây, các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã và đang công chiếu nhiều bộ phim hấp dẫn, trong đó có tới hơn một nửa là phim truyền hình Việt Nam với các thể loại tâm lý, tình cảm gia đình... Điển hình là các phim như: “Hương vị tình thân” (VTV1); “Thương con cá rô đồng”; “Hãy nói lời yêu”; “Mùa hoa tìm lại”; “11 tháng 5 ngày” (VTV3); “Duyên định kim tiền” (VTV8)… Trước đó, hàng loạt bộ phim truyền hình Việt Nam cũng đã được khởi chiếu trong khung “giờ vàng” và thu hút sự quan tâm của nhiều người xem như các phim: “Sống chung với mẹ chồng”; “Người phán xử”; “Gạo nếp gạo tẻ”; “Cả một đời ân oán”; “Sinh tử”; “Thương nhớ ở ai”; “Quỳnh búp bê”; “Về nhà đi con”...
Tác phẩm phim truyền hình Việt Nam dù là những bộ phim có kịch bản “thuần Việt” hay phim được “Việt hóa” từ kịch bản nước ngoài đều có điểm chung đó là luôn bám sát mọi mặt đời sống xã hội, diễn biến tình tiết phim phù hợp với tâm lý, văn hóa của người Việt Nam. Nếu như những bộ phim được “Việt hóa” như “Hương vị tình thân”; “Cây táo nở hoa”; “Sống chung với mẹ chồng”; “Người phán xử” ... mang lại cho khá giả ‘làn gió mới” với những yếu tố kịch tính, thì các bộ phim có kịch bản “thuần Việt” như “Về nhà đi con” hay "Hướng dương ngược nắng","Hoa hồng trên ngực trái"… lại thu hút người xem bởi những thông điệp đầy tính nhân văn, truyền thống. Đồng thời, các bộ phim có kịch bản “thuần Việt” cũng đã cho thấy hiệu quả của việc đầu bài bản từ khâu biên tập kịch bản.
Theo các nhà phân tích, yếu tố quan trọng hàng đầu tạo nên sức hấp dẫn của phim truyền hình Việt Nam trong thời gian gần đây chính là các đạo diễn đã khai thác đề tài một cách linh hoạt, phản ánh chân thực những xung đột, hiện thực cuộc sống; kịch bản phim chứa đựng những góc nhìn mới, có chiều sâu. Bên cạnh những đề tài mang tính truyền thống như tình cảm gia đình; tình yêu đôi lứa..., phim truyền hình Việt Nam đã hướng đến những đề tài mới như mặt trái kinh tế thị trường; những góc khuất trong đời sống xã hội; những tác động của dịch bệnh COVID-19 đến từng số phận con người cụ thể..., điển hình như các bộ phim: “Sinh tử”; “Quỳnh búp bê”; “Những ngày không quên”; “Con gái nhà người ta”...
Bên cạnh đó, với việc đầu tư nghiêm túc về chất lượng, nội dung..., các nhà làm phim đã giúp những bộ phim truyền hình Việt Nam có sức lan tỏa rộng rãi trong đời sống xã hội. Đồng thời, dàn diễn viên tham gia các phim truyền hình Việt Nam hiện cơ bản có kỹ năng diễn xuất tốt, nỗ lực hóa thân trọn vẹn vào từng nhân vật, từng câu chuyện trong phim. Nhiều diễn viên đã tạo được dấu ấn khó quên đối với khán giả.
Tuy nhiên, cùng với những chuyển biến nói trên, đáng tiếc là số ít bộ phim truyền hình Việt Nam hiện còn có những hạn chế, nhất là khâu biên kịch. Tỷ lệ phim truyền hình được “Việt hóa” còn khá lớn. Các bộ phim có kịch bản “thuần Việt” tạo được sức hấp dẫn với khán giả chưa thực sự nhiều. Việc giải quyết các tình huống ở một số bộ phim truyền hình còn có biểu hiện gượng gạo, thiếu thực tế thậm chí không nhận được sự đồng tình của số đông khán giả...
Để tiếp tục tăng sức hấp dẫn của phim truyền hình Việt Nam, trước hết cần nâng cao chất lượng kịch bản. Đó là một trong những yếu tố quan trọng. Muốn có một bộ phim hay, phải có kịch bản hay. Nhất là phim truyền hình, phụ thuộc rất nhiều vào kịch bản. Đối với những nhà biên kịch trẻ tuổi, điểm nổi bật của họ là có ý tưởng tốt, trẻ trung, đánh trúng thị hiếu của khán giả trẻ. Nhưng để hoàn thiện và có được những kịch bản chất lượng, các nhà biên kịch trẻ cần tích lũy nhiều hơn về vốn sống, trải nghiệm thực tiễn cuộc sống xã hội.
Song song với đó, cần nâng cao chất lượng đội ngũ diễn viên, phát huy khả năng sáng tạo của từng diễn viên; thường xuyên làm mới dàn diễn viên phim truyền hình. Đặc biệt, với tư cách là những người trực tiếp thưởng thức, đánh giá các tác phẩm điện ảnh, khán giả cũng có vai trò quan trọng trong nâng cao sức hấp dẫn của phim truyền hình Việt Nam. Bởi, chỉ những bộ phim có chất lượng, gần gũi đời sống thì mới được khán giả đón nhận. Ngược lại, những bộ phim chất lượng hạn chế bị khán giả “quay lưng”, “tẩy chay” cũng sẽ là bài học kinh nghiệm đối với các nhà làm phim.
Thưởng thức nghệ thuật, trong đó có phim truyền hình là hoạt động khó có thể mang tính gượng ép. Chúng ta cũng không thể kêu gọi người Việt thì phải xem phim truyền hình Việt. Phim truyền hình Việt Nam chỉ có thể hấp dẫn khán giả khi thực sự đổi mới và nâng cao chất lượng ở từng khâu, từng bước./.