Theo đó, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính vùng trung du và miền núi phía Bắc, gồm 14 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình. Tổng diện tích là 9.518.414 ha.
Về quan điểm lập quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc phải mang tính định hướng cao, xác định việc phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường mang tính chiến lược trên lãnh thổ toàn vùng, bảo đảm tính liên kết nội vùng và ngoại vùng.
Bảo đảm phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia; tăng cường khả năng chống chịu và ứng phó với biến đổi khí hậu; khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, thiên nhiên...
Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lập quy hoạch phải đảm bảo thể hiện tính đặc thù của vùng trung du và miền núi phía Bắc, lợi thế so sánh của vùng đối với các vùng khác trong cả nước. Bảo đảm phát huy nội lực của vùng, đồng thời thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ quốc tế. Đa dạng hóa nguồn lực để bảo đảm chất lượng môi trường tự nhiên và ứng phó với thiên tai trong vùng trên cơ sở công bằng, hiệu lực và hiệu quả.
Về nội dung Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc: Phải đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP. Trong đó, phân tích, đánh giá thực trạng các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực đặc thù của vùng: Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của vùng; hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội; tài nguyên thiên nhiên, môi trường; hệ thống đô thị, nông thôn; kết cấu hạ tầng; liên kết nội vùng, liên kết vùng với khu vực và quốc tế.
Các nguồn lực của vùng đã và đang được khai thác, các tiềm năng chưa được khai thác; các nguy cơ và tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu trên địa bàn vùng; vị thế, vai trò của vùng đối với quốc gia; các vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong quy hoạch vùng.
Nội dung quy hoạch cũng phải nêu rõ quan điểm và mục tiêu phát triển: Quan điểm về phát triển vùng, tổ chức không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ vùng trong thời kỳ quy hoạch.
Bên cạnh đó là, mục tiêu tổng quát phát triển vùng trong thời kỳ quy hoạch 10 năm, tầm nhìn từ 20 đến 30 năm; mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường gắn với tổ chức không gian phát triển vùng trong thời kỳ quy hoạch...