Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phát triển văn hóa đọc ở vùng DTTS: Kỳ vọng từ "đòn bẩy" chính sách (Bài 2)

Hồng Minh - 15:31, 23/05/2022

Xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách, những năm gần đây tại nhiều địa phương, việc phát triển văn hóa đọc cũng đã và đang được lan tỏa trong cộng đồng. Tuy nhiên, để việc đọc sách trở thành một thói quen, thì việc tăng cường nguồn sách, không gian đọc sách hấp dẫn ở cộng đồng, bằng nguồn lực xã hội hóa, và chính sách đầu tư của Nhà nước đóng vai trò quyết định...

 Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giúp từng bước rút ngắn chênh lệnh phát triển vùng miền (Ảnh tư liệu)
Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giữ vai trò quan trọng để thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí (Ảnh TL)

Huy động nguồn lực xã hội

Trong dịp Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4 vừa qua, hàng nghìn cuốn sách đã được gửi tặng tới các em học sinh huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La do Quỹ vì tầm vóc Việt, Tủ Sách Nhân Ái, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vân Hồ tổ chức.

Chương trình đã trao tặng 8.200 cuốn sách được chọn lọc thành 207 tủ sách, trao đến 20 trường học và 7 trung tâm học tập cộng đồng. Với lượng sách trên, 20.000 học sinh và người dân được hưởng lợi.

Hay nhóm tình nguyện “Tủ sách vùng cao” tại Hà Nội, qua 4 năm hoạt động, nhóm đã quyên góp hàng chục nghìn đầu sách, ủng hộ quần áo và đồ dùng học tập cho các em nhỏ ở các xã vùng cao của các tỉnh Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang và Yên Bái.

Mới đây, nhóm cũng đã phát động quyên góp sách để ủng hộ tại các điểm trường ở các bản Háng Bla, Chống Tra, Háng Đồng và Làng Sáng huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Hiện tất cả các điểm trường ở đây đều chưa có thư viện, tủ sách riêng.

Nhìn từ thực tế, các hoạt động xã hội hóa văn hóa đọc trong cộng đồng, ngày càng được quan tâm. Đã xuất hiện các tổ chức, đơn vị, cá nhân phát động xây dựng các tủ sách cộng đồng, sách cho trường học, sách về các thôn, xã...

Tiêu biểu có thể kể đến như: từ năm 2016 đến năm 2019, Quỹ Thiện Tâm với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, đã trao tặng 44 xe ô-tô thư viện lưu động đa phương tiện phục vụ cộng đồng cho 44 thư viện tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hay, tại Lào Cai, từ năm 2014 đến 2021, đã đón nhận sự chung tay quyên góp của hàng trăm tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, ủng hộ trẻ em nghèo với gần 70.000 đầu sách, trị giá hơn 1,3 tỷ đồng.

Có thể nói, sự chung tay phát triển văn hóa đọc của cộng đồng đã có những tín hiệu rất tích cực. Song để tạo được chuyển biến mạnh mẽ hơn, thời gian tới đòi hỏi sự  quan tâm hơn nữa của các cấp ngành có liên quan, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách, huy động sự vào cuộc của toàn xã hội.

Lan tỏa văn hóa đọc đến học sinh dân tộc thiểu số
Lan tỏa văn hóa đọc đến học sinh dân tộc thiểu số

Kỳ vọng từ "đòn bẩy" chính sách

Đã ngoài 70 tuổi nhưng ông Vũ Quyết Chiến, ở thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái vẫn duy trì thói quen đọc sách từ khi ông còn trong quân ngũ. Hàng ngày, ông đều bỏ ra ít nhất 1 giờ đồng hồ để đọc, nghiên cứu sách.

Ông Chiến chia sẻ: “Sau hơn 50 năm gắn bó với những cuốn sách đã cho bản thân tôi rất nhiều điều, việc đọc sách không chỉ giúp bản thân tôi trau dồi, bổ sung kiến thức, mà đọc sách ở lứa tuổi của tôi còn được xem như một môn “thể thao” trí tuệ, giúp trí não hoạt động nhanh nhạy, minh mẫn hơn”.

Để duy trì thói quen đọc sách trong Nhân dân, trong những năm gần đây huyện Văn Chấn đã triển khai rất nhiều hoạt động nhằm thu hút độc giả, rèn luyện thói quen đọc sách cho thế hệ trẻ. Huyện đã đầu tư xây dựng hệ thống Tủ sách pháp luật, sách kỹ thuật trong phát triển chăn nuôi tại nơi công cộng, nhà văn hóa thôn để người dân dễ dàng tìm kiếm thông tin cũng như nâng cao thói quen đọc.

Cách làm ở huyện Văn Chấn, chỉ là một trong nhiều địa phương đang tích cực lan tỏa phong trào đọc sách đến cộng đồng, đặc biệt là ở vùng DTTS và miền núi.

Từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg, lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Hay mới đây, tại Hội nghị Ban Chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam lần thứ 7 hồi tháng 2 (nhiệm kỳ 2017-2022), vấn đề phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng được xác định, là một trong năm mục tiêu hoạt động của Hội; và đây cũng là nội dung được chú trọng trong năm 2022.

Có thể nói, với những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc lan tỏa, phát triển văn hóa đọc trong cả nước nói chung, vùng DTTS nói riêng đã có nhiều tín hiệu tích cực. Đặc biệt khi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được triển khai, trong đó có nội dung đầu tư phát triển các tủ sách cộng đồng sẽ tác động tích cực đến phát triển văn hóa đọc cho vùng DTTS miền núi.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.