Khơi dậy văn hóa đọc trong đội ngũ làm công tác dân tộc
Năm 2022, lần đầu tiên Ủy ban Dân tộc tổ chức Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam. Với chủ để “Kết nối trí thức để phát triển”, gian trưng bày có rất nhiều đầu sách được bài trí ấn tượng và đẹp mắt. Không gian trưng bày giới thiệu gần 500 đầu sách, hơn 8.000 cuốn sách các loại gồm 6 chủ đề: Bác Hồ với đồng bào DTTS - Đồng bào DTTS với Bác Hồ; Lý luận và thực tiễn về con đường phát triển đất nước; Sách chuyên ngành công tác dân tộc, chính sách dân tộc; Các kết quả nghiên cứu khoa học và sách thuộc chương trình công tác dân tộc 2016 - 2020; Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam; Văn hóa các DTTS Việt Nam.
Các đầu sách tại gian trưng bày phong phú về nội dung, mỹ quan đẹp, với các đầu sách của nhiều nhà xuất bản, nhiều tác giả, diễn giả... tạo ấn tượng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc. Đặc biệt là việc lựa chọn chủ đề, tổ chức phát hành các ấn phẩm có hình thức đẹp, có nội dung ý nghĩa giúp người đọc có thể tìm hiểu, tiếp cận với nhiều cuốn sách về Đảng, Bác Hồ, sách chuyên ngành công tác dân tộc, chính sách dân tộc… rất có giá trị.
Anh Vừ Bá Thông, chuyên viên Vụ Pháp chế (Ủy ban Dân tộc) phấn khởi nói: Tôi rất hào hứng với Ngày sách và Văn hóa đọc 2022 của Ủy ban Dân tộc. Đây là dịp tạo môi trường thuận lợi để toàn thể công chức, viên chức, người lao động có điều kiện tiếp cận với sách, xây dựng thư viện, tủ sách nghiệp vụ, tủ sách chuyên ngành, thành lập câu lạc bộ yêu sách, bố trí phòng đọc; xây dựng phong trào quyên góp, ủng hộ sách...
Không chỉ giúp cán bộ, công chức, viên chức được tiếp cận với tri thức khoa học để có hành động tích cực, cùng với đồng bào DTTS giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình, Ngày hội văn hóa đọc của Ủy ban Dân tộc còn khơi dậy, lan tỏa tới đông đảo cộng đồng DTTS.
Em Đặng Huyền Trang, dân tộc Dao, sinh viên năm thứ nhất Học viện Dân tộc cho biết: Em rất vui mừng được tham dự Ngày hội sách của Ủy ban Dân tộc. Tại đây, em được tham khảo rất nhiều sách liên quan đến đồng bào các DTTS. Qua đó, em hiểu thêm về văn hóa truyền thống và đời sống của đồng bào các dân tộc trên cả nước. Em thấy bản sắc văn hóa dân tộc của mình rất đẹp và rất tự hào. Em sẽ dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa dân tộc của mình để hiểu thêm về văn hóa truyền thống dân tộc.
Ngày sách và văn hóa đọc do Ủy ban Dân tộc tổ chức đã khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách, bắt đầu tạo dựng môi trường đọc, xây dựng thói quen đọc sách từ gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức và cộng đồng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định: “Đây là dịp để lan tỏa văn hóa đọc rộng khắp trong đội ngũ công chức, viên chức và người lao động của Ủy ban Dân tộc nói riêng và trong toàn cơ quan ngành công tác dân tộc nói chung, góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh hy vọng, toàn thể công chức, viên chức, người lao động cơ quan Ủy ban Dân tộc sẽ quan tâm, nâng cao nhận thức văn hóa đọc; đây cũng là điểm khởi đầu khơi dậy tinh thần tự học, tự nghiên cứu, trau dồi kiến thức xã hội nói chung, kiến thức quản lý nhà nước nói riêng thông qua việc đọc sách.
Ứng dụng công nghệ tạo sự thu hút trong văn hóa đọc
Ấn tượng nhất trong không gian trưng bày của Ngày sách của Ủy ban Dân tộc là tủ sách ảo 3D. Bằng phần mềm chuyên dụng, người xem có thể sử dụng các thiết bị di động để chuyển đổi hình ảnh tĩnh, sang hình ảnh động, miêu tả về đời sống sinh hoạt, văn hóa của đồng bào các DTTS. Ngoài ra, thông qua ống kính 3D còn mang lại những hình ảnh sống động, thú vị cho người xem.
“Tôi rất ấn tượng với tủ sách ảo 3D. Đây là không gian giúp chúng ta dễ dàng tra cứu, tìm hiểu, chia sẻ, lan tỏa thông tin về sách điện tử mọi lúc, ở mọi nơi, phù hợp với điều kiện làm việc của mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, qua công nghệ ống kính 3D cảm giác như mỗi người chúng ta đang được hòa mình cùng với từng hoạt động, ngày hội văn hóa sinh động của đồng bào các DTTS, giúp chúng ta cảm nhận được sâu sắc những giá trị chân thực của cuộc sống”, anh Vừ Bá Thông chia sẻ.
Còn em Huỳnh Trung Kiên, dân tộc Khmer, sinh viên khóa 1, Học viện Dân tộc cho biết: Đây là lần đầu tiên em được tiếp cận với sách thực tế ảo mô tả về đời sống đồng bào các DTTS, mở ra cho em về kiến thức mới về công nghệ. Thông qua sách mềm về đời sống đồng bào DTTS, em nhận thấy hình ảnh về đời sống đồng bào mình được phô diễn một cách sinh động hơn và gần gũi hơn.
Với những chủ đề trưng bày, giới thiệu sách phong phú về nội dung, mỹ quan đẹp và thông qua việc ứng dụng công nghệ, đã thực sự lan tỏa văn hóa đọc tới toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc. Đây sẽ là điểm khởi đầu khơi dậy tinh thần tự học, tự nghiên cứu, trau dồi kiến thức, góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.