Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập

PV - 11:10, 20/08/2022

Sáng 20/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập do Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp chủ chốt; các cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Hội nghị được truyền trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, lao động là một yếu tố đầu vào cơ bản của mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và của cả nền kinh tế. Theo Karl Marx, cơ sở của giá trị hàng hóa là lao động; hàng hóa là sản phẩm của lao động. Được hình thành và phát triển trong nền kinh tế thị trường, thị trường lao động có vị trí rất quan trọng; hoạt động hiệu quả của thị trường lao động góp phần bảo đảm ổn định kinh tế, chính trị, xã hội.

Cùng với xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển thị trường lao động, xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Đồng thời xác định lao động-việc làm là một trong những nội dung rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.

Trong những năm qua, thị trường lao động ở Việt Nam đã có những bước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, ngày càng hội nhập, từng bước tiệm cận với thị trường lao động khu vực và thế giới. Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn manh mún, chưa chuyên nghiệp, thiếu tính linh hoạt, chưa thật bền vững; công tác nghiên cứu, dự báo, khớp nối cung cầu và cập nhật hệ thống thông tin thị trường lao động chưa thực sự hiệu quả.

Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề tới thị trường lao động trong nước. Trước tình hình đó, cùng với những giải pháp phòng, chống dịch bệnh, Đảng, Nhà nước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách về thị trường lao động. Nhờ đó, sau khi chuyển sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, thị trường lao động đã từng bước được phục hồi và phát triển, góp phần quan trọng vào sự khởi sắc của nền kinh tế-xã hội nước ta. Quy mô lực lượng lao động, tỷ lệ tham gia lao động và số người có việc làm tiếp tục tăng. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm.

Tuy nhiên, phát triển thị trường lao động vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cả trước mắt và lâu dài để đáp ứng yêu cầu phục hồi, phát triển nhanh, bền vững kinh tế-xã hội. Trên tinh thần đó, Hội nghị này với chủ đề “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” để cùng nhau đánh giá những kết quả đạt được của thị trường lao động trong những năm qua, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức và những vấn đề đang đặt ra hiện nay để có các giải pháp phù hợp phát triển thị trường lao động trong thời gian tới, nhất là chủ động ứng phó với những tình huống đột xuất, bất ngờ, những cú sốc trên thị trường do tác động từ bên ngoài và nội tại nền kinh tế.

Trong vòng 3 tháng qua, Chính phủ đã tổ chức các hội nghị về ổn định thị trường vốn, bất động sản và Hội nghị này là nhằm ổn định, phát triển thị trường lao động bền vững. Chính phủ đã tuyên bố ổn định và phát triển các loại thị trường, từng bước tiệm cận tư duy và phương pháp luận rất thị trường, linh hoạt. Đây cũng là cách tiếp cận thị trường, thể hiện tính cởi mở, công khai, dân chủ, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nhất là Hội nghị này có mời các đại biểu thuộc các đối tượng bị ảnh hưởng, trong đó có các đại biểu quốc tế.

Do thời gian không có nhiều, trong khi đây là lĩnh vực rất quan trọng với nhiều vấn đề, nội dung khác nhau cần được thảo luận kỹ lưỡng; để Hội nghị thực chất, hiệu quả, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần thẳng thắn, cởi mở, xây dựng, cầu thị, phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, trong đó tập trung vào một số nội dung chính sau:

Làm thế nào để nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò phát triển thị trường lao động và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững?

Đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách về thị trường lao động theo hướng nào để tăng cường quản lý nhà nước và bảo đảm các điều kiện cần thiết cho thị trường lao động phát triển hài hòa, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tế? Xuyên suốt trong quá trình phát triển thì Việt Nam coi con người là yếu tố trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu cho sự phát triển.

Thủ tướng Chính phủ: Hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập" nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp phát triển thị trường lao động trong thời gian tới - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ: Hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập" nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp phát triển thị trường lao động trong thời gian tới - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Những kinh nghiệm trong nước, quốc tế và các giải pháp phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững, hội nhập; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa?

Giải pháp nào để chủ động ứng phó với những khó khăn, thách thức hiện nay, nhất là những tác động do đại dịch Covid-19 gây ra?

* Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng mạnh đến thị trường lao động thời gian qua. Tính trong quý II/2022, cả nước vẫn còn hơn 8,0 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Trong đó có 0,4 triệu người bị mất việc, chiếm 5,3%; 0,5 triệu người không tìm được việc làm, chiếm 5,7%; 2,2 triệu người phải tạm nghỉ, tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 27,6%; 2,4 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 29,5% và 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 81,7%.

Sự phát triển của các chuỗi giá trị toàn cầu thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng của thị trường lao động, di chuyển lao động giữa các nước, đòi hỏi người lao động không những phải có kỹ năng nghề cao mà phải có kỹ năng mềm, có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế với những tiêu chuẩn, tiêu chí do thị trường lao động xác định.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam phải tuân thủ các “luật chơi” chung, bao gồm các tiêu chuẩn về lao động, tiêu chuẩn về quản trị thị trường lao động hiện đại theo chuẩn mực quốc tế. Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra những vấn đề mới; nhiều việc làm, kỹ năng cũ sẽ mất đi hoặc giảm mạnh, xuất hiện nhiều việc làm mới, kỹ năng mới; trí tuệ nhân tạo, robot, máy móc sẽ đóng vai trò ngày một lớn trong sản xuất và thay thế nhiều vị trí việc làm hiện tại.


Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những chủ trương, chính sách và đề án cụ thể về đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân lao động cũng như hỗ trợ phát triển thị trường lao động. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường đào tạo chuyên môn, kỹ năng, kỷ luật, văn hóa và nâng cao nhận thức cho lực lượng lao động phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, yêu cầu thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài; phối hợp với các tập đoàn, nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước để đào tạo theo “đơn đặt hàng”;...

So với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp (quý II/2022 mới chỉ đạt 26,2%). Trong giai đoạn từ 2015 đến 2020, có 66,7% công nhân lao động có trình độ trung học phổ thông; 80% công nhân lao động tại các doanh nghiệp được đào tạo nghề (chủ yếu là doanh nghiệp tự đào tạo), 43% công nhân lao động được đào tạo lại, bậc thợ từ 4-7 (có tay nghề cao) là 22,5%; 7,7% công nhân lao động học ngoại ngữ, 7,1% công nhân lao động học tin học. Hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bình quân hằng năm đào tạo trên 2 triệu lượt người, trong đó gần 70% được tuyển dụng vào các doanh nghiệp, hợp tác xã, số còn lại tự tạo việc làm hoặc tham gia sản xuất nông nghiệp.

Việt Nam là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ 3 trong khu vực và là một trong số nước trong khu vực ASEAN vẫn duy trì được tăng trưởng dòng vốn FDI ổn định qua nhiều năm.

Theo thống kê, đến nay các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực; trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 9,9 tỷ USD, chiếm 46,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 4,3 tỷ USD, chiếm 20,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký lần lượt gần 3,2 tỷ USD và 1,3 tỷ USD. Còn lại là các lĩnh vực khác tạo việc làm trực tiếp cho 4,6 triệu người, chiếm hơn 7% tổng số lao động của Việt Nam và hàng triệu lao động gián tiếp khác.

Việc dịch chuyển nhanh chóng cơ cấu đầu tư đã đặt ra yêu cầu về nhân lực thay đổi, đòi hỏi cơ cấu nhân lực mới trong khi đó thị trường lao động chưa chuyển dịch kịp thời....


Tin cùng chuyên mục
Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) được xem là một quyết sách đặc biệt giúp Quảng Nam thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện, đến nay, Chương trình đã bước đầu phát huy hiệu quả, làm đổi thay bộ mặt của vùng DTTS và miền núi của tỉnh.