Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Phát triển nông nghiệp tạo sinh kế cho người dân vùng DTTS huyện vùng cao Tiên Yên

Trí Phương - 07:00, 17/12/2023

Nhằm phát huy thế mạnh địa phương, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) luôn chú trọng phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con DTTS, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.

Anh Lý Đức Bảo, người Dao Thanh Y, là một trong những người tiên phong mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi gà Tiên Yên ở xã Phong Dụ
Anh Lý Đức Bảo, người Dao Thanh Y, là một trong những người tiên phong mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi gà Tiên Yên ở xã Phong Dụ

Nhiều mô hình hiệu quả

Là huyện miền núi phía Đông của tỉnh Quảng Ninh với 10 dân tộc cùng sinh sống, trong đó hơn 50% là người DTTS sống chủ yếu làm kinh tế nông và lâm nghiệp. Những năm qua, huyện Tiên Yên luôn quan tâm triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), đã góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển, diện mạo vùng đồng bào DTTS của huyện có nhiều đổi thay, nhiều mô hình sản xuất được hình thành và phát triển. Các sở, ban, ngành địa phương phối hợp với các tổ chức đoàn thể, đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia thực hiện các Chương trình MTQG, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719.

Từ các nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất, nhiều mô hình kinh tế nông lâm nghiệp đã hình thành, phát triển. Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện Tiên Yên đã tập trung phát huy những thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn để tạo bước đà bền vững trong sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực có tính đặc thù. Đặc biệt, Đề án “2 con, 1 cây” được triển khai đã tạo bước đột phá trong chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp. Từ chương trình này, nhiều dự án, mô hình chăn nuôi, trồng trọt ra đời, góp phần giúp bà con đồng bào các dân tộc nơi đây có tư duy mới, cách làm mới, tự tin vươn lên phát triển kinh tế.

Mô hình gà Tiên Yên, tôm công nghiệp và mô hình cây dược liệu được coi là 3 sản phẩm chủ lực của huyện. Cụ thể, đối với mô hình gà Tiên Yên, hiện toàn huyện có 24 trang trại tổng hợp theo mô hình VietGAP. Song song với đó, huyện cũng đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, tập trung phát triển cơ sở sản xuất giống gà Tiên Yên với 3 cơ sở sản xuất, quy mô 6.000 con gà sinh sản, khả năng cung cấp 650.000-700.000 con giống/năm.

Anh Lý Đức Bảo, người Dao Thanh Y, là một trong những người tiên phong mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi gà Tiên Yên ở xã Phong Dụ. Anh nhớ lại, năm 2014, huyện Tiên Yên xây dựng và triển khai Đề án phát triển đàn gà Tiên Yên, nuôi tôm thẻ chân trắng và trồng cây dược liệu (gọi tắt là Đề án "2 con, 1 cây"), anh đã vay vốn chăn nuôi gà. Vượt qua nhiều khó khăn, đến nay, tổng đàn gà Tiên Yên của anh Bảo đã chạm ngưỡng 1 vạn con. Gia đình anh có 6 chuồng, mỗi chuồng rộng khoảng 300m2 trên diện tích 3ha đất đồi.

“Từ thành công của mô hình, tôi đã tuyên truyền, vận động các hộ dân xung quanh cùng làm theo. Bên cạnh đó, tôi đã hỗ trợ từ xây dựng chuồng trại, kinh nghiệm chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh… Nhờ đó, các cơ sở chăn nuôi gà Tiên Yên tại xã Phong Dụ ngày một nhiều hơn, kinh tế người dân cũng nâng cao hơn so với trước”, anh Bảo trải lòng.

Gà Tiên Yên đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công bố nằm trong top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam
Gà Tiên Yên đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công bố nằm trong top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam

Đối với mô hình nuôi trồng thuỷ sản, để phát huy thế mạnh, huyện đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đầu tư hạ tầng nuôi trồng thủy sản, nhất là các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trong đó tập trung vào con tôm.

Chàng thanh niên dân tộc Dao Đặng Văn Ba, thôn Đồi Mây, xã Hải Lạng (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) đã trở thành tấm gương sáng trong việc mạnh dạn làm kinh tế với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng. Lúc đầu anh chỉ đầu tư 500m2, các mùa vụ đầu cho thu nhập ít do chưa có nhiều kinh nghiệm. Năm 2018, anh tham gia lớp học miễn phí về kỹ thuật nuôi tôm do huyện tổ chức. Nhờ vậy, 5 năm gần đây mô hình nuôi tôm đã cho thu nhập trung bình khoảng 300-400 triệu đồng/năm. Riêng năm 2022 vừa qua, vụ tôm thắng lợi đã đem đến cho gia đình anh hơn 1 tỷ đồng. Từ mô hình nuôi tôm 9 năm qua, gia đình anh đã mở rộng đầm tôm lên diện tích hơn 1.000m2.

Anh Ba chia sẻ thêm: “Thời gian tới đây, tôi sẽ nghiên cứu thêm và mở rộng mô hình. Từ việc mở rộng mô hình, tôi cũng mong muốn được tạo điều kiện việc làm cho bà con xung quanh trong những thời kỳ cao điểm của mùa vụ”.

Để phát triển cây dược liệu một cách hiệu quả, huyện đã lập quy hoạch đến năm 2030, tổng diện tích đất trồng cây dược liệu trên 100ha. Huyện đang thành lập các vườn mẫu trồng cây dược liệu, qua đó theo dõi, đánh giá chất lượng, năng suất, nhu cầu tiêu thụ của từng loại cây để đầu tư phát triển sâu hơn, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả. Những năm qua, trên địa bàn huyện Tiên Yên nhiều hộ sản xuất nông nghiệp đã tích cực tham gia chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với thế mạnh địa phương và cho năng suất, hiệu quả cao.

Đặc biệt, huyện đã tập trung thực hiện có hiệu quả đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, qua đó đã khuyến khích được người dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ, tổ chức lại sản xuất theo hướng chất lượng, hiệu quả, chú trọng sản xuất - kinh doanh liên kết theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ. Các giải pháp này đã phát huy hiệu quả tích cực, làm chuyển biến đáng kể sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp trên địa bàn.

Huyện Tiên Yên đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản
Huyện Tiên Yên đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản

Hướng đến nên nông nghiệp thịnh vượng

Với những cách làm bài bản, cụ thể và giải pháp thiết thực của huyện Tiên Yên đang dần nâng cao giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Từ đó, làm nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt vùng DTTS tại địa phương.

Tính đến hết năm 2022, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện Tiên Yên đạt 70,4 triệu đồng, gấp 6,9 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,198%. Trong 6 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp ước đạt 508,877 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch năm, đạt 95,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ước đạt 220,863 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ.

Bà Đỗ Thị Duyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Yên nhấn mạnh: “Tiên Yên đang thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với mục tiêu đến năm 2025, huyện phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 9%; xây dựng được ít nhất một vùng cây ăn quả gắn với du lịch trải nghiệm. Định hướng đến năm 2030, tái cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển kinh tế du lịch gắn với sản xuất, văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Thời gian tới, huyện Tiên Yên tiếp tục tái cấu trúc ngành nông nghiệp, định vị sản xuất theo chuỗi giá trị và nhu cầu thị trường, tạo bước đột phá phát triển, làm nền tảng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện; qua đó góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Đây là nền tảng để tiến tới thực hiện đạt mục tiêu mà Chương trình MTQG 1719 đã đề ra.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.