Việc triển khai các chính sách đặc thù về thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai là giải pháp quan trọng nhằm bổ sung cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là các ngành công nghệ thông tin, giáo dục và đào tạo, y tế. Tỷ lệ cán bộ là người DTTS các cấp tăng lên qua từng năm. Số cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) người DTTS có trình độ trên chuẩn ngày càng nhiều, trong đó có cả cán bộ có trình độ cao như thạc sĩ, tiến sĩ.
Thực hiện chủ trương phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh Lào Cai thu hút được 40 người có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ đa khoa, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, trong đó có 1 tiến sĩ là người DTTS. Giai đoạn 2016 - 2020 thu hút được 51 người là bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ đa khoa; trong đó có 4 người DTTS. Từ 2021 - 2023 Lào Cai cũng đã thu hút được 62 bác sĩ, giáo viên.
Ông Phạm Toàn Thắng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lào Cai cho biết: Theo từng nhiệm kỳ, từng giai đoạn, tỉnh Lào Cai đã ban hành các đề án, chỉ thị với cơ chế, chính sách và hệ thống các văn bản chỉ đạo cụ thể, sát sao về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bổ nhiệm CBCCVC là người DTTS; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS tỉnh Lào Cai có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Đề án số 18-ĐA/TU về quy hoạch đào tạo cán bộ DTTS, cán bộ chuyên môn, kỹ thuật giai đoạn 2011 - 2015; Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 13/12/2013 tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ người DTTS trên địa bàn tỉnh. HĐND tỉnh cũng ban hành một số nghị quyết về cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực như: Nghị quyết số 30/2013/NQ-HĐND ngày 13/12/2013; Nghị quyết số 36/2016/NQ-HĐND ngày 18/7/2016…
Thực hiện chủ trương phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh Lào Cai thu hút được 40 người có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ đa khoa, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, trong đó có 1 tiến sĩ là người DTTS. Giai đoạn 2016 - 2020 thu hút được 51 người là bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ đa khoa; trong đó có 4 người DTTS. Từ 2021 - 2023 Lào Cai cũng đã thu hút được 62 bác sĩ, giáo viên.
Bà Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết: Từ 2016 - 2023, tỉnh Lào Cai đã thực hiện chính sách đãi ngộ đối với gần 1.800 lượt viên chức y tế, CCVC làm nhiệm vụ an toàn, an ninh thông tin. Hằng năm có gần 600 CCVC làm việc tại bộ phận một cửa các cấp được hưởng chính sách đãi ngộ.
Cùng với đó, tỉnh còn thực hiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng các trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa… cho gần 800 CCVC trên địa bàn tỉnh. Đối với hỗ trợ đào tạo bác sĩ, hằng năm Sở Y tế thực hiện ký hợp đồng hỗ trợ đào tạo với gia đình các sinh viên đang học Trường Đại học Y đăng ký về tỉnh công tác sau khi tốt nghiệp. Từ năm 2021 - 2023 có 57 học sinh đi đào tạo Bác sĩ đa khoa hệ chính quy (theo địa chỉ sử dụng) tại các Trường Đại học Y dược được hưởng chính sách.
“Việc ban hành các chính sách đãi ngộ nhằm động viên, “giữ chân” nguồn nhân lực có chất lượng cao ở một số ngành, lĩnh vực của tỉnh yên tâm công tác”, bà Dung nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình thực hiện phát triển nguồn nhân lực là người DTTS cũng còn bộc lộ một số hạn chế như: Chưa có chính sách đồng bộ các khâu từ phát hiện, tìm kiếm, trọng dụng, đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, chưa xác định được các tiêu chí thu hút nhân tài và nhân tài là người DTTS và chưa có chính sách riêng đối với CBCCVC người DTTS. Tỷ lệ CBCCVC người DTTS được hưởng chính sách còn khá thấp. Đây là những bất cập cần sớm được giải quyết để công tác tạo nguồn, phát triển và sử dụng đội ngũ cán bộ người DTTS trên địa bàn tỉnh Lào Cai thời gian tới phát huy hiệu quả cao nhất.