Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phát triển kinh tế trang trại ở Quảng Trị: Người nông dân còn đơn độc

PV - 21:22, 30/01/2018

Những năm qua, kinh tế trang trại đã góp phần làm thay đổi diện mạo cuộc sống của người dân Quảng Trị. Không chỉ mang lại giá trị thu nhập về kinh tế mà còn giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động dôi dư. Tuy nhiên , trong phát triển kinh tế trang trại, người dân vẫn đang phải tự tìm đường đi.

Mạnh ai nấy làm

Hiện, Quảng Trị có 902 trang trại lớn nhỏ hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, thủy sản và kinh doanh tổng hợp. Bình quân vốn sản xuất của một trang trại đạt 155,87 triệu đồng, có nhiều trang trại thu lãi từ 300 triệu đồng/năm trở lên.

Mặc dù nhiều mô hình trang trại ở Quảng Trị đang phát triển nhưng vẫn không có tính bền vững. Mặc dù nhiều mô hình trang trại ở Quảng Trị đang phát triển nhưng vẫn không có tính bền vững.

 

Anh Nguyễn Khắc Cận, một trong những chủ trang trại ở huyện Hướng Hóa cho biết: Ban đầu nguồn vốn khó khăn, anh đầu tư trồng 6ha cao-su, còn lại trồng cây lâm nghiệp. Kinh tế phát triển, anh tích lũy vốn trồng thêm 10 ha cao-su. Đến nay, 6ha cao-su đưa vào khai thác cho thu nhập mỗi năm hơn 600 triệu đồng, doanh thu từ cây lâm nghiệp bình quân khoảng 160 triệu đồng.

Bên cạnh đó, gia đình anh Cận còn mở rộng chăn nuôi lợn, gà, vịt, cá, hươu lấy nhung, gieo cấy 1,2 ha ruộng lúa cho thu nhập thêm khoảng 200 triệu đồng… Hằng năm trang trại của anh đã tạo việc làm ổn định cho 20 lao động, với mức lương bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.

Mặc dù có nhiều trang trại phát triển khá ổn định và có thu nhập, nhưng hầu hết các trang trại vẫn hoạt động theo kiểu “tự phát”, “mạnh ai nấy làm”, manh mún, thiếu sự đầu tư, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chưa đạt tiêu chí về quy mô. Trình độ quản lý, kỹ thuật của các chủ trang trại nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; vốn đầu tư phát triển kinh tế trang trại còn ít, khả năng tiếp cận thị trường và tiêu thụ sản phẩm của các chủ trang trại còn hạn chế…

Anh Nguyễn Tiến Hoài, chủ trang trại trồng hồ tiêu ở huyện Hướng Hóa chia sẻ: Trang trại của gia đình chủ yếu tập trung trồng hồ tiêu kết hợp chăn nuôi. Những năm qua giá hồ tiêu và lợn, gà lên xuống thất thường nên rất khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Vì thế trang trại của gia đình luôn phải đối diện với khó khăn từ nhiều phía như vấn đề tiêu thụ và vốn để tái sản xuất. Tuy nhiên, mọi việc anh đều phải tự thân vận động.

Cần “cú hích” để phát triển

Để hệ thống trang trại phát triển mang tính bền vững trong giai đoạn hiện nay thì cần tạo cơ chế và chính sách phù hợp, bên cạnh vai trò chủ thể của người dân thì Nhà nước phải thể hiện vai trò định hướng và có các chính sách hỗ trợ để thực sự là “bà đỡ” cho kinh tế trang trại phát triển.

Theo ông Võ Thanh, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa: Để kinh tế trang trại phát triển bền vững thì trên cơ sở quy hoạch chung của từng địa phương, tỉnh cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ nông dân ở các vùng có lợi thế phát triển kinh tế trang trại. Đồng thời, cải tiến thủ tục cấp đất, giao đất cho chủ trang trại khi có đầy đủ điều kiện và có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi.

Một thực tế hiện nay là các chính sách phát triển trang trại ở Quảng Trị chủ yếu lồng ghép thực hiện thông qua các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn như Nghị quyết phát triển kinh tế vùng gò đồi, Nghị quyết phát triển kinh tế vùng cát ven biển... mà chưa có chính sách cụ thể riêng biệt của địa phương về phát triển trang trại, đặc biệt là chính sách hỗ trợ cho trang trại từ phía Trung ương và các cấp chính quyền.

Trong khi đó, việc thực hiện các chính sách vay vốn, chuyển giao tiến bộ KHKT, tiêu thụ nông sản của các cơ quan chức năng chưa thực sự thúc đẩy tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho kinh tế trang trại. Mặc dù Nhà nước ban hành nhiều chính sách hỗ trợ vay vốn cho loại hình kinh tế này song hầu hết trang trại trên toàn tỉnh đều không tiếp cận được nguồn vốn trên. Nguyên nhân là do phần lớn trang trại đều chưa được cấp Giấy chứng nhận trang trại hoặc không có tài sản thế chấp vay vốn.

Ông Hà Sĩ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: “Từ trước đến nay, tỉnh đã thực hiện được nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, có nhiều chương trình dự án hỗ trợ cho người dân phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ kinh tế trang trại chưa thực hiện được nhiều, phần lớn là do nông dân tự lo. Các ngành hữu quan chưa thực sự phối hợp với nhau để đưa ra các giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, nhất là trong khâu tiêu thụ sản phẩm, định hướng cho trang trại phát triển. Vì vậy, chưa tạo ra được sự liên doanh liên kết hỗ trợ nhau trong chuỗi sản xuất”.

Do đó, để khắc phục khó khăn trên, các cấp, ngành cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ chung cho loại hình trạng trại một cách cụ thể nhằm mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế trang trại phát triển.

MINH THỨ

Tin cùng chuyên mục