Từ nhiều năm nay, gia đình anh Mai Thanh Nghị, thôn Minh Thái đầu tư phát triển cơ sở sản xuất cơ khí. Mô hình này giải quyết việc làm cho 5 lao động địa phương với thu nhập bình quân 4 - 7 triệu đồng/người/tháng. Anh Nghị cho biết, trong quá trình mở xưởng và hoạt động, anh luôn nhận được sự quan tâm của cán bộ thôn và xã. Đây là sự khích lệ rất lớn để anh tiếp tục đẩy mạnh mở rộng sản xuất kinh doanh (SXKD). Từ đó, giải quyết thêm nhiều việc làm cho người lao động ở địa phương.
Với ưu điểm không phải đầu tư lớn, dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, cây ít bị sâu bệnh, nhiều hộ dân xã Minh Khương đã chuyển đổi những diện tích đất đồi, đất bãi kém hiệu quả sang trồng cây mía đem lại thu nhập khá. Gia đình ông Đặng Văn Chương, thôn Ngòi Họp là một trong những hộ đầu tiên trong thôn chuyển đổi sang trồng cây mía. Vụ mía đầu tiên gia đình ông thu hoạch được 100 tấn mía. Trừ chi phí, gia đình ông thu lãi trên 80 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả từ việc trồng cây mía nguyên liệu mang lại, những năm tiếp theo gia đình ông tiếp tục đầu tư vốn, thuê nhân công phá bỏ vườn tạp chuyển sang trồng mía. Đến nay, diện tích mía của gia đình là 1,6ha.
Ông Nguyễn Phi Khanh, Chủ tịch UBND xã Minh Khương cho biết, không chỉ khuyến khích, tạo điều kiện để người dân SXKD, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động địa phương, hằng năm UBND xã còn phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp có uy tín tổ chức 5 - 7 buổi tư vấn, giới thiệu, tuyển dụng lao động đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong nước. Theo thống kê của UBND xã, trung bình mỗi năm xã giải quyết việc làm cho 128 lao động địa phương. Trong đó lao động làm việc tại các khu công nghiệp chiếm 30 - 60%.
Xã còn thường xuyên phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức dạy nghề cho người dân. Các lớp dạy nghề giúp bà con hiểu rõ hơn kiến thức để phát triển chăn nuôi, trồng trọt tăng thu nhập.
Hiện nay, mức thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn xã đạt gần 27 triệu đồng/người/năm. Xã quan tâm tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 là 42,3%, đến nay giảm xuống là 28,2%.
Những năm trước đây, gia đình bà Trần Thị Tuyết, thôn Minh Thái là hộ nghèo. Nhờ được tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật và được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng để phát triển kinh tế, năm 2017, gia đình bà đầu tư trồng cam. Hiện gia đình bà có 1.000 gốc cam, mỗi năm thu nhập 300 - 400 triệu đồng.
Hiện nay, xã Minh Khương vẫn thường xuyên rà soát, tìm hiểu thông tin, thị trường lao động giúp người lao động có thêm cơ hội việc làm. Cùng với đó, xã chú trọng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh về sản xuất hàng hóa. Cụ thể là phát triển trồng cây mía, cây chè và chăn nuôi trâu… Từ đó có những bước đi vững chắc, góp phần phát triển kinh tế nâng cao thu nhập và đời sống của người dân trên địa bàn.