Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”.
Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, giảm chênh lệch về điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) giữa vùng đồng bằng và miền núi, thì việc phát triển đội ngũ đảng viên là người DTTS càng trở nên cấp bách, có ý nghĩa thực tiễn quan trọng đồng thời đòi hỏi có cách làm sáng tạo, nhất là ở cấp cơ sở.
Xây dựng được đội ngũ đảng viên vùng đồng bào DTTS đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ là yếu tố rất quan trọng trong công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo chính quyền, Nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH, ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng và an ninh biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
Trong công tác phát triển đảng viên mới, chủ trương, chính sách của Đảng là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của các cấp ủy đảng, nhất là các cấp ủy địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi. Chính sách của Đảng ta đặc biệt quan tâm công tác xây dựng đảng, nhất là vùng đồng bào DTTS, coi đây là nhiệm vụ then chốt, quan trọng.
Nhận thức của tổ chức đảng các cấp về công tác phát triển đảng quyết định đến hiệu quả thực hiện chủ trương trong công tác xây dựng đảng nói chung, công tác phát triển đảng nói riêng. Hiệu quả của công tác phát triển đảng của tổ chức đảng các cấp cũng phụ thuộc vào nhận thức của cấp ủy cấp đó và con người thực hiện. Trong đó con người là yếu tố then chốt quyết định đến hiệu quả công tác. Tổ chức đảng nào có con người làm công tác đảng tốt, cấp ủy có nhận thức đúng thì chắc chắn công tác phát triển đảng ở đó sẽ tốt.
Đối với vùng DTTS và miền núi, những phong tục, tập quán, văn hóa đa bản sắc, thậm chí cả hủ tục… đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào. Vì vậy, việc các cấp ủy đảng am hiểu, nắm vững phong tục, tập quán, văn hóa của địa bàn mình để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là vận động, bồi dưỡng quần chúng ưu tú vào Đảng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu quyết định sự thành công của công tác phát triển đảng.
Vùng đồng bào DTTS và miền núi là lõi nghèo của cả nước ta. Thu nhập bình quân của hộ đồng bào DTTS và miền núi ở nhiều nơi chỉ bằng 40 - 50% bình quân thu nhập trong khu vực; dân số chiếm 14,7% nhưng tỷ lệ hộ nghèo lại chiếm 55,27%. Việc phát triển KT-XH tại địa bàn có ảnh hưởng đến công tác phát triển đảng viên. Kinh tế có phát triển, đời sống đồng bào được nâng lên, xã hội ổn định… đồng bào sẽ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Kinh nghiệm ở những địa bàn thực hiện tốt công tác phát triển đảng là: Kịp thời giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn để tạo sự thống nhất trong toàn đảng bộ và đồng thuận của Nhân dân; kịp thời định hướng giải quyết những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, tạo thêm lòng tin của Nhân dân với Đảng, với chính quyền; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, nhất là cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên, tạo thêm lòng tin của quần chúng Nhân dân với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương…