Xã Đăk Ơ (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) là xã biên giới với 34% là đồng bào DTTS, trong đó chủ yếu là dân tộc S’tiêng. Một thời gian dài trước đây, các chi bộ trong xã không thể phát triển được đảng viên mới. Vì vậy, việc đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các thôn đồng bào DTTS gặp không ít khó khăn. Trước thực trạng này, Đảng ủy xã Đăk Ơ đã tập trung nhiều giải pháp tích cực như: tăng cường các đảng viên là cán bộ, công chức xã về làm Bí thư Chi bộ các thôn; tập trung phát triển đảng viên trong lực lượng dân quân tự vệ, trở thành lực lượng nguồn của thôn; bồi dưỡng những quần chúng ưu tú, nhất là những quần chúng người DTTS để giới thiệu cho Đảng... Nhờ những giải pháp tích cực, trong hai năm 2016-2017, Đảng bộ xã đã kết nạp 12 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ lên 185 người, trong đó có 63 đảng viên là người DTTS.
Chi bộ thôn Nam Thanh, xã Nam Xuân là một điểm sáng trong phát triển đảng viên người DTTS của huyện Krông Nô,tỉnh Đăk Nông. Chi bộ hiện có 24 đảng viên thì có đến 21 đảng viên người DTTS, chiếm 87,5%. Ông Vi Văn Thắng, Bí thư Chi bộ thôn Nam Thanh cho biết: Hằng năm, chi bộ xây dựng nghị quyết riêng về công tác phát triển đảng viên trên địa bàn, cử các đảng viên chính thức có kinh nghiệm, uy tín giúp đỡ các quần chúng ưu tú. Để tạo được sự gắn bó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu, sâu sát trong mọi hoạt động, phong trào. Từ những tấm gương đảng viên đi đầu, là cách tuyên truyền tốt nhất động viên với bà con cùng phát triển kinh tế và cũng là tấm gương để đồng bào phấn đấu vào Đảng.
Tại tỉnh Điện Biên, riêng trong năm 2017, Ðảng bộ tỉnh đã kết nạp hơn 2.000 đảng viên; giảm số thôn, bản chưa có đảng viên từ 60 xuống còn 40; giảm số thôn bản chưa có chi bộ từ 327 xuống còn 204 thôn bản; giảm số trường học, trạm y tế chưa có chi bộ từ 94 xuống còn 67 đơn vị. Trong đó, chất lượng đảng viên mới được nâng lên cả về trình độ chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Nhiều đảng viên người DTTS đã và đang giữ vị trí chủ chốt của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể của xã, của thôn.
Sự phát triển của đội ngũ cán bộ, đảng viên người DTTS là những nhân tố quan trọng, là đầu mối để chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến với nhân dân. Theo đồng chí Phan Văn Hợp, Bí thư Huyện ủy Đăk Song (Đăk Nông) thì các tổ chức cơ sở đảng cần chú trọng phát triển hài hòa giữa đảng viên người Kinh và người DTTS nhằm từng bước rút ngắn khoảng cách, tạo sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong dân. Phải thường xuyên mở lớp bồi dưỡng kiến thức về Đảng cho quần chúng ưu tú, chứ không phải cố định số lượng lớp trong năm, qua đó lựa chọn, tìm kiếm để giúp cơ sở lựa chọn được quần chúng ưu tú phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Một trong những kinh nghiệm phát triển đảng viên trong đồng bào DTTS của các địa phương, đơn vị được rút ra chủ yếu là: cấp ủy cơ sở nắm chắc được số lượng, chất lượng quần chúng ưu tú để xây dựng kế hoạch về công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên. Chủ động phân công cấp ủy hoặc những đảng viên chính thức có kinh nghiệm, am hiểu về vấn đề dân tộc, có uy tín với đồng bào DTTS về sinh hoạt tại địa bàn để xây dựng nòng cốt. Thường xuyên đánh giá thực hiện công tác phát triển đảng, nhất là đối với người DTTS để thấy rõ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, qua đó rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp khắc phục hiệu quả.
NGỌC TUẤN