Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ thôn bản: Cần có chính sách phù hợp

PV - 15:42, 11/05/2018

Được ví như “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, đội ngũ cán bộ thôn bản đã góp phần đắc lực trong việc phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở những bản làng vùng sâu, vùng xa. Họ vẫn lặng lẽ cống hiến, dẫu chế độ chính sách đãi ngộ chưa thực sự tương xứng.

Miệt mài lo chuyện thôn bản

Gần 7 năm về tái định cư ở bản Piêng Cu 2 (xã Tiền Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) nhường đất cho Nhà máy Thủy điện Hủa Na (năm 2011), cuộc sống của 65 hộ đồng bào dân tộc Thái đã dần ổn định. Người dân ở bản được sử dụng nước sạch, điện lưới quốc gia, thông tin liên lạc thông suốt…

Ông Hà Văn Phước, Trưởng bản Piêng Cu 2 cho biết: Bản cũ lúc đó có hơn 100 hộ dân. Lúc di dời tái định cư, bà con không muốn đi. Khi đó tôi làm Trưởng bản, đã cùng với các cấp chính quyền tuyên truyền, vận động. Bà con tin nên hơn 100 hộ di dời, 65 hộ về bản Piêng Cu 2, số còn lại lên bản Piêng Cu 1. Đây là các hộ dân đầu tiên của huyện di dời, nhường đất.

Trưởng thôn bản có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống ở cơ sở. Trưởng thôn bản có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống ở cơ sở.

Ông nhớ lại, khi di dời lên Piêng Cu 2, bà con ai cũng phấn khởi vì nơi ở mới được đầu tư các hạng mục sinh hoạt thiết yếu; người dân còn được nhận tiền đền bù di dời tái định cư. “Nhưng đây lại là hiểm họa. Biết bà con có tiền nên các đối tượng xấu trong xã, trong huyện và nơi khác đến lôi kéo, rủ rê thanh niên dính vào các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy”, ông Phước cho biết.

Đôi mắt đã chớm già nua của người đàn ông 57 tuổi nhíu lại khi nghĩ về thời gian Piêng Cu 2 quay cuồng vì ma túy. Như một thói quen, ông đưa tay bóp hai bàn chân chai sần, rồi bảo: “Ngày này qua tháng khác, tôi đi từng nhà để vận động bà con từ bỏ ma túy. Cũng may, bà con nghe theo nên giờ trong bản không còn người nghiện nữa”.

Không còn lo tệ nạn xã hội hoành hành, ông Phước lại lo đời sống kinh tế của người dân trong bản. Ma túy đã làm nhiều gia đình kiệt quệ; hiện bản Piêng Cu 2 có 65 hộ thì có 31 hộ nghèo. Cái ăn, cái mặc đè nặng nên tình hình an ninh trật tự ở bản cũng phức tạp.

Ông Phước cho biết: “Không ai yêu cầu nhưng tôi vẫn tham gia đội bảo vệ của bản. Bản được đầu tư một số công trình nước sạch và một số công trình khác; đội bảo vệ có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn các công trình này, không bị mất mát, hư hỏng”.

Là hộ có thu nhập trung bình nhưng từ nhiều năm nay, ông Phước thường xuyên tiếp cận với các chính sách dành cho hộ nghèo. Không phải cho ông mà là cho 31 hộ nghèo trong bản. Quãng đường gần 10 cây số từ bản ra xã đối với ông đã quá quen thuộc. Mỗi tuần hơn 50 nghìn tiền xăng, ông đi lại thường xuyên; lúc thì họp nghe chủ trương, lúc lại hội nghị tập huấn, lúc khác lại họp triển khai nội dung tuyên truyền pháp luật,…

Chế độ chưa tương xứng

Công việc của một Trưởng bản đã chiếm phần lớn thời gian của ông Phước. Như ông chia sẻ, từ năm 2005, ông đã làm Trưởng bản; năm 2012 đến nay được bà con tín nhiệm bầu ông kiêm luôn vai trò Người có uy tín của bản Piêng Cu 2. Vừa đại diện cho bà con, vừa đại diện cho chính quyền xã đứng ra tổ chức, quản lý mọi mặt hoạt động, từ phát triển kinh tế-xã hội đến bảo tồn văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự,... ở vị trí nào ông cũng phát huy vai trò “đầu tàu”.

“Rất tâm huyết nhưng chỉ trăn trở phụ cấp thực hiện nhiệm vụ ít quá. Mỗi tháng tôi chỉ được hỗ trợ hơn 1,3 triệu đồng; riêng tiền xăng xe đi lại đã chiếm gần hết rồi”, ông Phước tâm sự.

Cũng như ông Phước, hàng trăm nghìn trưởng thôn, bản, phum, sóc, buôn, bon, tổ dân phố, khu phố... (gọi chung là thôn bản) trên cả nước đang góp phần đắc lực trong việc phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh trật tự của địa phương. Theo thống kê, cả nước hiện có 111.843 thôn bản, tức là cũng có chừng ấy Trưởng thôn, bản. Họ là cánh tay nối dài của chính quyền cấp xã.

Chức năng, nhiệm vụ của trưởng thôn bản rất nhiều, từ công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, vệ sinh môi trường đến sinh đẻ có kế hoạch; tổ chức cho nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; lắng nghe, tập hợp các ý kiến, kiến nghị của nhân dân, định kỳ hằng tháng có báo cáo UBND xã và báo ngay khi có việc đột xuất xảy ra trên địa bàn...

Với khối lượng công việc như vậy, ở những thôn bản có điều kiện, dân cư đông vốn dĩ đã vất vả thì đối với những bản làng vùng sâu, vùng xa, trưởng thôn bản lại càng vất vả hơn. Theo quy định, ở những thôn bản dưới 350 hộ thì chỉ có chức danh trưởng thôn, không được bố trí thêm phó trưởng thôn. Mọi việc trong thôn ngoài bản đều về tay một người “vác tù và”.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, trưởng thôn bản được hưởng phụ cấp hệ số 1% so với mức lương tối thiểu (1.350.000 đồng/tháng), không phân biệt thôn đông dân, ít dân hay địa bàn rộng, hẹp, vùng thuận lợi hay vùng khó khăn. Với mức thu nhập như vậy, nhiều cán bộ thôn bản chỉ đủ tiền ăn sáng, điện thoại và xăng xe.

Thực tế, từ nhiều năm nay, vấn đề phụ cấp cho cán bộ trưởng thôn bản đã được đề cập, cả trên các diễn đàn cũng như trong nghị trường. Qua đó, phụ cấp cho cán bộ trưởng thôn bản đã “nhích” dần, từ hệ số 0,6 lên 0,9 và lên mức 1,0 so với mức lương tối thiểu như hiện nay. Nhưng trên thực tế, để cán bộ trưởng thôn bản thực hiện nhiệm vụ, mức phụ cấp này vẫn là quá thấp.

Được biết, từ đầu năm 2016, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu, hoàn thiện Đề án chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn, trong đó có đội ngũ cán bộ không chuyên trách (cán bộ thôn bản). Nhưng đã hơn 2 năm trôi qua, Đề án này vẫn đang là dự thảo. Việc xây dựng Đề án này quá chậm được ban hành, tác động đến tư tưởng của đội ngũ cán bộ cơ sở. Vấn đề này đã được cử tri kiến nghị đến rất nhiều đại biểu Quốc hội; và chắc chắn, sẽ tiếp tục được kiến nghị.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.