Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, chung tay xây dựng Thủ đô giàu đẹp

PV - 14:20, 10/04/2019

Theo định hướng phát triển của TP. Hà Nội, đến năm 2025, vùng DTTS và miền núi của Thủ đô sẽ có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt, thậm chí về đích trước thời hạn bởi sự chung sức, đồng lòng của đồng bào các DTTS và sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị.

Mặc dù khá bận với rất nhiều công việc để chuẩn bị triển khai kế hoạch tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS Thành phố lần thứ III năm 2019 nhưng Trưởng Ban Dân tộc TP. Hà Nội Nguyễn Tất Vinh vẫn dành thời gian để trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về kết quả thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc. Ông vui vẻ chia sẻ những kết quả nổi bật trong việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn Thủ đô năm 2018 và quý I/2019.

Diện mạo vùng DTTS và miền núi Thủ đô đã có nhiều khởi sắc. (Trong ảnh: Một góc Khu du lịch sinh thái Ao Vua dưới chân núi Ba Vì). Diện mạo vùng DTTS và miền núi Thủ đô đã có nhiều khởi sắc. (Trong ảnh: Một góc Khu du lịch sinh thái Ao Vua dưới chân núi Ba Vì).

Ông tâm sự, cách đây 5 năm, tại Đại hội đại biểu các DTTS TP. Hà Nội lần thứ II (được tổ chức tháng 11/2014), lãnh đạo Thành phố đã trao tặng Đại hội bức trướng với dòng chữ: “Cộng đồng các dân tộc TP. Hà Nội bình đẳng, đoàn kết, chung tay xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại”. Bức trướng gửi gắm một thông điệp rất mạnh mẽ của lãnh đạo Thành phố đối với sự phát triển vùng DTTS và miền núi của Thủ đô”.

Trong 5 năm qua, thông điệp của lãnh đạo Thành phố đã được ngành công tác dân tộc Hà Nội, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng đồng bào các DTTS Thủ đô cụ thể hóa bằng những việc làm, hành động thiết thực. Nhờ đó, cùng với nguồn lực đầu tư kịp thời của Chính phủ, của Thành phố, từ năm 2014 đến 2018, vùng DTTS và miền núi TP. Hà Nội đã có sự thay đổi rất rõ nét.

“Sau 5 năm, từ chỗ chưa có xã nào đạt chuẩn NTM thì hiện vùng DTTS và miền núi đã có 7/14 xã được công nhận đạt chuẩn. ngoài ra, toàn vùng hiện không còn thôn, bản, xã đặc biệt khó khăn; thu nhập bình quân đạt khoảng 30 triệu đồng/người/năm, có nơi đạt trên 40 triệu đồng/người/năm”, ông Vinh phấn khởi nói.

Trưởng Ban Dân tộc TP. Hà Nội Nguyễn Tất Vinh cho biết, một yếu tố đặc biệt tạo “sức bật” cho vùng DTTS và miền núi của Thủ đô chính là việc lãnh đạo Thành phố ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ. Giai đoạn 2011-2015, Thành phố đã đầu tư 1.276,5 tỷ đồng cho 202 công trình, dự án. Giai đoạn 2016-2020, theo kế hoạch Thành phố dự kiến bố trí 2.324 tỷ đồng để triển khai 224 dự án, nhưng do hạn chế nguồn lực nên chỉ bố trí được 1.000 tỷ đồng.

Trên cơ sở những kết quả đạt được cùng sự quan tâm của lãnh đạo Thành phố, sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, cơ quan làm công tác dân tộc cũng như chính quyền các địa phương vùng DTTS và miền núi của Thủ đô đã xây dựng tầm nhìn, chiến lược phát triển đến năm 2030. Trước mắt, mục tiêu đến năm 2025, tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm trên 10%, tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giảm xuống dưới 1%, 100% xã đạt chuẩn NTM,… Còn đến năm 2030, phấn đấu trình độ phát triển và đời sống của đồng bào DTTS cơ bản không còn chênh lệch với vùng nông thôn của Thành phố.

Theo Trưởng Ban Dân tộc TP. Hà Nội Nguyễn Tất Vinh, để đạt các mục tiêu này thì ngoài nguồn lực đầu tư hỗ trợ của Chính phủ, của Thành phố, sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương thì cần phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, sáng tạo, chung tay xây dựng Thủ đô giàu đẹp của đồng bào các DTTS.

“Tại Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ II năm 2014, tinh thần đoàn kết, chung tay xây dựng Thủ đô giàu đẹp đã được các đại biểu đại diện cho đồng bào các DTTS tạo sức lan tỏa trong đời sống. Tinh thần đó sẽ tiếp tục được phát huy tại Đại hội đại biểu các DTTS cấp huyện, cấp Thành phố năm 2019”, ông Vinh khẳng định.

KHÁNH THƯ