Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phát huy hiệu quả Tổ truyền thông cộng đồng

PV - 09:48, 05/04/2023

Để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân cũng như xóa bỏ định kiến về giới, tập tục, thói quen có hại cho phụ nữ, trẻ em, Hội Phụ nữ huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đã thành lập và duy trì hoạt động các Tổ truyền thông cộng đồng. Tuy mới đi vào hoạt động, song, các tổ luôn cố gắng đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, chắt lọc hình thức phù hợp với từng nội dung, đối tượng người dân; qua đó, bước đầu thu được những kết quả tích cực.

Họat động của Tổ truyền thông cộng đồng góp phần nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho bà con đồng bào DTTS
Họat động của Tổ truyền thông cộng đồng góp phần nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho bà con đồng bào DTTS

Là một trong những giải pháp để triển khai hiệu quả các hoạt động của Dự án 8 - hướng đến bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, các Tổ truyền thông cộng đồng đã được Hội Phụ nữ huyện Lâm Hà thành lập cuối năm 2022 vừa qua. Các tổ hoạt động tại 14 thôn và tổ dân phố đặc biệt khó khăn thuộc 8 xã, thị trấn trên địa bàn huyện; hoạt động tại các thôn Thực Nghiệm, Buôn Chuối (xã Mê Linh); thôn Phi Tô, Kon Pang (xã Tân Thanh); thôn Preteing 2 (xã Phú Sơn); thôn Đạ Ty (xã Đạ Đờn); thôn RyOngTo, Phi Suor (xã Phi Tô)...

Chị Nguyễn Thị Thùy - Chủ tịch Hội LHPN huyện Lâm Hà cho biết, mỗi Tổ truyền thông cộng đồng có khoảng 10 - 15 thành viên, gồm bí thư chi bộ, trưởng thôn, chi hội trưởng phụ nữ, trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn, Công an viên và các đoàn thể ở địa phương. Chủ đề chính trong năm 2023 là “Giới và bình đẳng giới”. Hàng tháng, tổ sẽ tổ chức ít nhất một hoạt động truyền thông như: phát tờ rơi, lồng ghép nội dung vào các buổi họp thôn, nói chuyện chuyên đề...; qua đó, giúp người dân hiểu các quy định của pháp luật về bình đẳng giới; loại bỏ định kiến giới, hủ tục, thói quen lạc hậu; chuyển đổi sản xuất, phát triển kinh tế...

Theo chị Thùy, đa phần các Tổ truyền thông cộng đồng thuộc vùng sâu, vùng xa, đời sống người dân còn nhiều khó khăn; do đó, để công tác tuyên truyền, vận động của các tổ được phát huy hiệu quả, Hội Phụ nữ huyện đã hỗ trợ một phần kinh phí, loa cầm tay cũng như hướng dẫn các kỹ năng tuyên truyền để các thành viên tự tin phát huy nhiệm vụ, vai trò của mình. Tuy mới thành lập và còn nhiều khó khăn, song, các Tổ truyền thông cộng đồng luôn cố gắng vừa đa dạng hóa hình thức tuyên truyền vừa chắt lọc hình thức phù hợp với từng nội dung, đối tượng người dân để tăng tính hiệu quả.

Đơn cử tại hai thôn Buôn Chuối và Thực Nghiệm, xã Mê Linh, nơi có đa phần là người dân theo đạo, “ngoài các buổi họp, tuyên truyền hàng tháng, các tổ đã phối hợp với các nhà thờ, giáo xứ lồng ghép, giảng giải trong các buổi lễ”, chị Nguyễn Thị Xuân - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mê Linh cho biết. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ này cũng như uy tín của các cha xứ, mà bà con giáo dân đã dần có sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức cũng như hành động về bình đẳng giới và quyền lợi trẻ em.

Còn tại thôn Đạ Ty, xã Đạ Đờn, các Tổ truyền thông cộng đồng lại lựa chọn hình thức thường xuyên đến từng nhà dân để rà soát và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con; sau đó, sẽ lồng ghép nội dung tuyên truyền gắn liền với việc giải quyết các vướng mắc, khó khăn của người dân trong các cuộc họp thôn. Cụ thể, do đời sống người dân Đạ Ty còn nhiều khó khăn, nên việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế có ý nghĩa quan trọng; vì vậy, tổ vận động, hướng dẫn bà con phát triển sản xuất gắn liền với việc nâng cao vị thế của phụ nữ, quan tâm trẻ em, tránh bạo lực gia đình, tảo hôn... Đặc biệt, tổ nhấn mạnh việc thay đổi nếp nghĩ cũ, các hủ tục, bình đẳng giới... cũng góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống cả về mặt vật chất lẫn tinh thần.

Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Lâm Hà chia sẻ, việc các Tổ truyền thông cộng đồng tập trung chủ yếu tại các xã vùng sâu, vùng xa của huyện, không chỉ giúp người dân thay đổi nhận thức và hành động về bình đẳng giới và quyền lợi trẻ em mà còn góp phần hoàn thành các nhiệm vụ mà Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã đề ra. Hơn hết là giúp bà con DTTS và miền núi, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em có thể “giảm nghèo thông tin”, tiến tới giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, theo chị Thùy, các mô hình này cũng gặp một số khó khăn nhất định do kinh phí hạn hẹp, kiến thức và kỹ năng của các thành viên còn nhiều hạn chế dẫn đến một số hoạt động của các tổ chưa thật sự hiệu quả, phạm vi và tính thuyết phục chưa cao.

Vì vậy, thời gian tới, chị Thùy cho biết, ngoài việc tăng cường tuyên truyền rộng rãi mục đích, ý nghĩa và hoạt động của Tổ truyền thông trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng, Hội sẽ tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức về bình đẳng giới và kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ Hội cũng như các thành viên trong tổ; đẩy mạnh việc giao lưu, học tập và trao đổi kinh nghiệm giữa các tổ trong cùng một địa phương; đồng thời, tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương đa dạng hóa và lồng ghép các nội dung nhằm tăng tính hiệu quả của mô hình. 

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.