Xác định vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân có thêm “cần câu” để thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, những năm qua, Ngân hàng CSXH tỉnh Lai Châu đã triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan đến chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng đến 108 điểm giao dịch xã trên địa bàn tỉnh.
Ngân hàng CSXH tỉnh đã chỉ đạo Ngân hàng CSXH các huyện xây dựng chỉ tiêu kế hoạch hằng năm, chuyển tải nguồn vốn kịp thời đến với đối tượng thụ hưởng và tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn nhằm mang lại hiệu quả. Chú trọng hướng dẫn nghiệp vụ cho vay và triển khai đầy đủ văn bản chỉ đạo liên quan đến chương trình cho vay giải quyết việc làm đến cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể; qua đó nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc phối hợp quản lý, hướng dẫn, thẩm định bảo đảm cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích và sử dụng hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng NTM và bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.
Hiện, nguồn vốn vay giải quyết việc làm chủ yếu từ Trung ương và theo chỉ định của UBND tỉnh, các huyện. Đến hết tháng 5/2020 dư nợ cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh đạt gần 173 tỷ đồng với 3.865 khách hàng vay. Nguồn vốn chủ yếu đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh buôn bán. Từ đó, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động thất nghiệp, thiếu việc làm; phát triển cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) vừa và nhỏ trong nhiều lĩnh vực, duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống tại các huyện Phong Thổ, Tam Đường, Than Uyên.
Pa Tần là xã biên giới duy nhất của huyện Sìn Hồ, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Đến nay, Ngân hàng CSXH huyện đã hỗ trợ 21 hộ vay vốn Chương trình cho vay giải quyết việc làm với tổng dư nợ gần 1,2 tỷ đồng. Qua vốn vay, các hộ được vay đã đầu tư vào mua cây, con giống chăn nuôi, trồng trọt và mua máy móc sản xuất mở rộng SXKD…
Nhiều tấm gương tiêu biểu của huyện trong SXKD, chăn nuôi với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm đã xuất hiện. Điển hình như, gia đình chị Vũ Thị Ngọc ở bản An Tần, năm 2018 vay vốn Ngân hàng CSXH 50 triệu đồng Chương trình giải quyết việc làm, đầu tư mua con giống chăn nuôi. Từ nguồn vốn đã thúc đẩy kinh tế gia đình phát triển, đến nay tổng thu nhập của gia đình chị khoảng 100 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã thực sự mang lại hiệu quả tạo ra nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống người dân. Tuy nhiên, nguồn vốn hiện còn hạn chế, hằng năm ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện bổ sung cho nguồn vốn này rất ít, chủ yếu quay vòng vốn cũ trong khi nhu cầu vay vốn của người dân lại rất lớn, nên chưa đáp ứng được việc vay vốn của đa số người dân. Thời gian tới Ngân hàng mong muốn các cấp quan tâm, tạo điều kiện bổ sung nguồn vốn cho vay từ ngân sách tỉnh sang Ngân hàng để thực hiện cho vay đạt hiệu quả.