Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phát huy hào khí Điện Biên!

PV - 11:30, 07/05/2021

Kỷ niệm 67 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là dịp chúng ta ôn lại trang sử hào hùng của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta mãi mãi coi đó là niềm tự hào, là nguồn sức mạnh cổ vũ chúng ta đi tới những thắng lợi mới.

Ngày 7/5/1954, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm chỉ huy của tướng Đờ-cát – đã kết thúc thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu TTXVN).
Ngày 7/5/1954, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm chỉ huy của tướng Đờ-cát. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. (Ảnh tư liệu TTXVN).

Cách đây 67 năm, ngày 7/5/1954, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm chỉ huy của tướng Đờ-cát – kết thúc thắng lợi trận quyết chiến chiến lược kéo dài suốt 56 ngày đêm. Chiến thắng Điện Biên Phủ “lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là một trong những đỉnh cao chói lọi, được ghi vào lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Đó là kết quả của 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 với đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược, một trận tiêu diệt sinh lực địch điển hình nhất, đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương; đồng thời, tạo cơ sở và điều kiện để Nhân dân ta tiếp tục chiến đấu 21 năm tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giúp cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhiều bài học lịch sử quý báu. Đó là các bài học:

Một là, xây dựng Đảng ngang tầm với sứ mạng lãnh đạo cách mạng; giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Thực tiễn đã chứng tỏ, chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của đường lối đấu tranh cách mạng đúng đắn của Đảng, là tiếp nối của đường lối giải phóng dân tộc, giành độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, hạnh phúc cho Nhân dân. Đảng ta đã kiên trì đường lối “kháng chiến kiến quốc, nhất định thành công”, với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đảng ta đã biết phát động chiến tranh, giải quyết chiến tranh và kết thúc chiến tranh. Bài học này đã được Đảng ta vận dụng thành công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vì thế, phải không ngừng nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đồng thời ra sức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý của các cấp chính quyền, vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Chủ động đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở vững mạnh để xây dựng Đảng ngang tầm với nhiệm vụ.

Hai là, có đường lối kháng chiến độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo, quyết chiến quyết thắng.

Trong Chiến địch Điện Biên Phủ, ta luôn chủ động nắm chắc tình hình, phân tích đúng tình hình, đề ra chiến lược và sách lược, phương án tác chiến phù hợp, buộc địch đánh theo cách đánh của ta. Đường lối đúng đắn phải được xây dựng trên cơ sở kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và phân tích một cách khách quan, khoa học bối cảnh mới của tình hình quốc tế, khu vực và trong nước. Từ mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể và quan điểm, phương châm chỉ đạo của Đảng đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới để tiếp tục lãnh đạo, tổ chức cho toàn quân, toàn dân tham gia bổ sung, hoàn thiện đường lối, chính sách quân sự, quốc phòng làm nền tảng cho sự thống nhất ý chí, hành động cho cả dân tộc. Tích cực xây dựng yếu tố tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn “gian không núng, chí không mòn”, xả thân vì Tổ quốc của cán bộ, chiến sĩ Điện Biên với tinh thần lạc quan cách mạng để góp phần làm nên chiến thắng.

Ba là, thực hiện đường lối vừa kháng chiến vừa kiến quốc, xây dựng căn cứ địa hậu phương vững chắc; đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giữ vững sự ổn định chính trị đất nước để tạo nên cái “cốt” vật chất và tinh thần của sức mạnh chiến tranh nhân dân thời đại Hồ Chí Minh.

Bài học đó được thể hiện trong thực tế sinh động: Bên cạnh việc phát triển kinh tế, coi đó là hoạt động trung tâm nhằm huy động mọi nguồn lực từ con người đến của cải vật chất, tài nguyên thiên nhiên để nâng cao đời sống Nhân dân, tạo tiền đề quan trọng củng cố quân sự quốc phòng, cần chú trọng phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, bởi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó sẽ bảo đảm an ninh kinh tế, sự ổn định xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, nhất là những đối tượng chính sách, các địa bàn chiến lược vùng sâu, vùng xa.

Bốn là, chăm lo xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc làm nền tảng, động lực phát huy sức mạnh chiến tranh Nhân dân; động viên tổ chức lực lượng toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt.

Đây là vấn đề chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt, là nhân tố bảo đảm sự sống còn của dân tộc trong quá trình phát triển và là cốt lõi của sức mạnh tổng hợp của chiến tranh Nhân dân Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Đảng ta đã huy động sức mạnh của toàn quân và toàn dân, từ tiền tuyến đến hậu phương vào trận quyết chiến Điện Biên Phủ. Lần đầu tiên chúng ta đã tập trung gần 5 sư đoàn chủ lực mạnh vào một trận đánh. Hàng chục vạn dân công, thanh niên xung phong tham gia làm đường, vận tải tiếp tế, phục vụ chiến dịch, bảo đảm hậu cần cho mặt trận xa hậu phương 500 km, trong điều kiện đường xá khó khăn, phương tiện vận tải thô sơ, thiếu thốn, địch đánh phá ác liệt. Chính điều đó đã gắn với phong trào: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huy động cả nước ra trận, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Năm là, lấy nhỏ đánh lớn, phát huy sức mạnh của phương thức tiến hành chiến tranh cách mạng và nghệ thuật quân sự của chiến tranh toàn dân; củng cố nền quốc phòng toàn dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân vững mạnh.

Theo đó, phải thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Từ thực tế của các cuộc kháng chiến, chúng ta càng nhận thức rõ kẻ thù của đất nước ta luôn là đế quốc và các thế lực có sức mạnh gấp nhiều lần, nhưng chúng ta vẫn chiến thắng, đó là triết lý "lấy nhỏ đánh lớn" của cha ông ta. Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay hơn bao giờ hết là sự nghiệp của toàn dân, do dân và vì lợi ích của toàn dân. Sự nghiệp đó đòi hỏi tất yếu phải thực thi một cách toàn diện. Chỉ như vậy mới củng cố và tăng cường nền độc lập dân tộc, làm cho chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thành công; tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đặc biệt coi trọng xây dựng về chính trị để thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

Sáu là, đoàn kết liên minh với nhân dân Lào, Campuchia; thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Cùng với chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, ta mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác với tinh thần Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực. Chủ động nắm chắc tình hình, đánh giá và dự báo đúng, kịp thời, tích cực, từ xa, giành thắng lợi. Phối hợp và đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại của Đảng, đối ngoại của Nhà nước và ngoại giao nhân dân. Tăng cường sự hiện diện của Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là tại các cơ chế đa phương. Thực hiện tốt các thỏa thuận đã ký với các nước và các tổ chức quốc tế, khu vực.

Tiếp nối chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, dân tộc ta đã viết tiếp bản anh hùng ca chói lọi trong thời đại Hồ Chí Minh, lập chiến công hiển hách, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới 35 năm qua, đưa đất nước lên một tầm cao mới, tạo thế và lực mới, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế ngày càng được mở rộng và có hiệu quả.

Trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động. Các nước lớn tiếp tục gia tăng can dự, cạnh tranh ảnh hưởng với mức độ, quy mô khác nhau ở các khu vực. Tình hình Biển Đông luôn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, nguy cơ mất ổn định. Chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động khủng bố vẫn diễn ra có thể gây mất ổn định ở khu vực và nhiều nơi trên thế giới. Các thế lực thù địch ở bên ngoài phối hợp với bọn phản động trong nước gia tăng thực hiện “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc…, đẩy mạnh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới của Nhân dân ta. Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân không ngừng cảnh giác, phát huy nội lực, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng; kết hợp sức mạnh thời đại, tạo dựng thời cơ, vượt qua thách thức để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kỷ niệm 67 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là dịp chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Các thế hệ đi trước không cam chịu nô lệ đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, dũng cảm, sáng tạo đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp giải phóng dân tộc. Các thế hệ ngày nay quyết tâm phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo trong sự nghiệp đổi mới, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Kỷ niệm 67 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta mãi mãi coi đó là niềm tự hào, là nguồn sức mạnh cổ vũ chúng ta đi tới thắng lợi mới.

Phát huy hào khí của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng ta quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng để thực hiện khát vọng đến năm 2045 trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.

Tin cùng chuyên mục
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi

Những năm qua, từ các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến trẻ em, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ và chăm sóc, giải quyết được những vấn đề cấp thiết đối với trẻ em. Song hiện nay, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn đối diện với nhiều vấn đề cần giải quyết như, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, bạo lực, tai nạn thương tích… Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.