Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phân chia tiêu chí cho vay nông nghiệp công nghệ cao: “Cú húych” khơi thông dòng vốn

PV - 14:57, 29/01/2018

Sự ra đời của gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch được cho là một cú húych lớn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, sản xuất. Nhưng sau gần một năm, dòng vốn tín dụng này vẫn đang bị ách tắc bởi nhiều rào cản.

Lúng túng xác định nông nghiệp sạch
Cần khơi thông vốn tín dụng 100 nghìn tỷ đồng để hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến. Cần khơi thông vốn tín dụng 100 nghìn tỷ đồng để hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến.

 

Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bắc Sơn là một trong rất ít đơn vị kinh tế tập thể ở huyện Kim Bôi (Hòa Bình) tham gia làm nông nghiệp hữu cơ từ khi mới thành lập (tháng 11/2012). Trong các sản phẩm nông nghiệp sạch của HTX này, đáng chú là mô hình lúa thảo dược. Đây là giống lúa độc đáo, có màu tím, nhiều vi chất quý, có lợi cho sức khỏe, nhất là vi chất omega 3, omega 6, omega 9 là những chất cực kì quý hiếm trên gạo.

Theo ông Nguyễn Ngọc Can, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bắc Sơn, nhờ giảm tối đa tác động của phân bón, thuốc trừ sâu trong quá trình sinh trưởng nên lúa thảo dược cho năng suất rất cao, bình quân đạt 72-75 tạ/ha. Với chất lượng đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Việt Nam và Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia khẳng định, lúa thảo dược có giá thành rất cao (giá lúa giống 100.000 đồng/kg, giá gạo 80.000 đồng/kg). Đặc biệt, rơm, rạ của lúa thảo dược còn được chế biến thành chè thảo dược với giá 100.000 đồng/kg.

“Tính riêng lúa thịt, trừ chi phí, giá trị 1ha lúa thảo dược cũng đạt 40 triệu đồng/vụ. Loại cây trồng này sẽ mở ra triển vọng mới trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân trên địa bàn”, ông Can cho biết.

Điều khiến ông Can cũng như các xã viên HTX trăn trở là, dù rất muốn mở rộng mô hình lúa thảo dược nhưng không có vốn. Tổng vốn điều lệ của HTX hiện chưa đầy 300 triệu đồng, lại phải đầu tư vào các sản phẩm khác (trồng cây dược liệu Thần Diệu, cung cứng phân bón cho nông dân,…) nên HTX mới thực hiện được 5ha lúa thảo dược.

Giám đốc HTX Nguyễn Ngọc Can cho biết, ông đã làm hồ sơ để vay vốn ngân hàng từ gói tín dụng hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng không được. Nguyên nhân là do ngân hàng cho rằng, mô hình lúa thảo dược của HTX là nông nghiệp hữu cơ, chưa phải là sản phẩm ứng dụng công nghệ cao.

Băn khoăn của ông Can cũng chính là vướng mắc hiện nay của các ngân hàng khi triển khai cho vay gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng. Như chia sẻ của ông Nguyễn Cảnh Hậu, Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp-Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình, khi triển khai gói tín dụng nông nghiệp sạch, ngân hàng còn vướng ở chỗ chưa có tiêu chí cụ thể xác nhận đâu là nông nghiệp sạch để cho vay gói tín dụng ưu đãi.

“Theo quy định thì chỉ có các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì mới được tiếp cận nguồn vốn tín dụng này. Tuy nhiên, tiêu chí nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau; trong đó còn nhiều điểm trùng giữa nông nghiệp công nghệ cao với nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ”, ông Hậu cho biết.

Ngân hàng chờ, doanh nghiệp đợi!

Rõ ràng, khái niệm “nông nghiệp công nghệ cao” hiện đang rất mông lung. Đặc biệt là, việc đánh giá một mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hay thấp lại phụ thuộc vào sự phát triển của lực lượng lao động ở mỗi vùng miền, tùy từng thời điểm.

Như mô hình lúa thảo dược của HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bắc Sơn, với nông dân ở khu vực đồng bằng thì không có gì lạ. Giống lúa này đã được trồng từ năm 2008, xuất phát từ kết quả lai tạo thành công của một nông dân ở huyện Yên Thành (Nghệ An). Nhưng với nông dân xã miền núi Bắc Sơn thì cây lúa màu tím, có nhiều vi chất quý, năng suất cao, giá trị lớn chính là một sản phẩm tiên tiến.

Mô hình lúa thảo dược dù được đánh giá đầy triển vọng nhưng vẫn chưa được xếp vào diện sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. (Ảnh minh họa) Mô hình lúa thảo dược dù được đánh giá đầy triển vọng nhưng vẫn chưa được xếp vào diện sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. (Ảnh minh họa)

 

Hơn nữa, rơm rạ từ lúa còn được dùng để chế biến thành chè thảo dược thì rõ ràng đây là một sản phẩm công nghệ cao. Nhưng phía ngân hàng lại quy chiếu theo cách hiểu ở vùng có sự phát triển cao hơn về sản xuất nông nghiệp nên xếp mô hình lúa thảo dược của HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bắc Sơn vào diện nông nghiệp hữu cơ nên không thực hiện cho vay vốn từ gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng.

Ngoài việc tiêu chí chưa rõ ràng thì một rào cản hiện nay trong triển khai cho vay vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao là tài sản thế chấp. Ở khu vực miền núi, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là các HTX. Nhưng đa phần HTX hiện đều không có đất đai, trụ sở đi thuê hoặc… dùng tạm nhà cửa của một xã viên nào đó. Bên cạnh đó, các tài sản khác như nhà lưới, nhà kính,… lại chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu về tài sản nên không đủ điều kiện để thế chấp vay…

Như vậy, việc xác định tiêu chí nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao hiện đang khiến các ngân hàng còn lúng túng khi triển khai cho vay nguồn vốn này. Trong khi đó, phía doanh nghiệp vẫn còn những rào cản để tiếp cận nguồn tín dụng này.

Thiết nghĩ các cơ quan liên quan cần xây dựng, phân chia các tiêu chí cho vay nông nghiệp công nghệ cao một cách cụ thể, theo cấp độ ưu tiên. Về phía ngân hàng thì cần bộ tiêu chí xác định đâu là đối tượng nông nghiệp sạch để làm cẩm nang cho vay. Về phía doanh nghiệp, hộ nông dân thì cần bộ tiêu chí được chia theo các cấp độ ưu tiên, ưu đãi khác nhau phù hợp với từng đối tượng. Có như vậy, dòng vốn tín dụng gói 100 nghìn tỷ đồng mới được khơi thông, ước mơ về một nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mới thành hiện thực.

Theo số liệu tổng hợp của Ngân hàng Nhà nước, sau gần một năm triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao, dư nợ đầu tư của ngành ngân hàng đối với lĩnh vực này đã đạt 36.000 tỷ đồng cho gần 6.400 khách hàng. Lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 5,3-6,5%/năm, cho vay trung, dài hạn khoảng 8,5-10%/năm.

SỸ HÀO