Trong công tác cán bộ (CTCB), xác định đúng, trúng khâu đột phá là việc rất khó. Sở dĩ khó bởi bản chất CTCB là công tác về con người; bao gồm nhiều khâu, nhiều bước với nội hàm phong phú, phương pháp cách thức đa dạng, cùng nhiều vấn đề phức tạp.
Trên thực tế, trong quá trình lãnh đạo, nhờ xác định đúng khâu đột phá và quyết liệt thực hành đột phá, Trung ương đã lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ ở mỗi giai đoạn lịch sử.
Để tìm ra khâu đột phá, yêu cầu quan trọng đối với từng đại biểu là phải nghiên cứu sâu kỹ, nắm chắc thành quả CTCB nói chung; vận dụng tri thức, trình độ, kinh nghiệm lãnh đạo quản lý, cùng thực tế phong phú ở cơ quan, đơn vị, địa phương để tổng hợp đúc kết, hiến kế và đặc biệt là tính khả thi, nhằm tháo gỡ nút thắt quan trọng, tạo đà cho phát triển, xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ mới.
Với tinh thần đó, chắc chắn Hội nghị Trung ương 7 lần này sẽ thống nhất xác định được khâu đột phá trong CTCB. Thế nhưng, nội dung này cần được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu đóng góp từ Hội nghị tổng kết Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII ở các đảng bộ trực thuộc Trung ương thời gian qua. Theo đó, bên cạnh việc xác định khâu đột phá chung nhất trong CTCB, cần chỉ ra được những đột phá cụ thể trong từng nội dung, từng khâu, từng bước của CTCB và xây dựng đội ngũ cán bộ thật sát với thực tiễn. Ví như, trong xây dựng nhân cách cán bộ (giữa tư tưởng, đạo đức, phong cách) nên chú trọng đột phá đổi mới phong cách công tác theo hướng quần chúng, gần dân, sát dân. Trong mối quan hệ giữa 3 mặt công tác (tư tưởng, tổ chức, chính sách) cần những đột phá cho từng mặt: Ngăn chặn suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" về tư tưởng (trong công tác tư tưởng); đột phá chuẩn hóa CTCB, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và tạo môi trường khuyến khích đổi mới, sáng tạo (công tác tổ chức cán bộ); đột phá xây dựng cơ chế thu hút và trọng dụng nhân tài, đổi mới mạnh mẽ chính sách tiền lương và nhà ở cán bộ (công tác chính sách cán bộ).
Trong các khâu của CTCB hiện nay nên chú trọng đột phá khâu đánh giá cán bộ để làm cơ sở cho sự chuyển biến đồng bộ. Trong các bước của CTCB cần tập trung nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật cán bộ, đảng viên; kết hợp kiểm soát chặt chẽ quyền lực, sàng lọc kỹ, thay thế kịp thời; ngăn chặn “chạy chức, chạy quyền”...
Với trách nhiệm, tình cảm và trí tuệ của một đội ngũ cán bộ vốn có nhiều đóng góp, tạo nên những thắng lợi trong lãnh đạo phát triển đất nước suốt nửa nhiệm kỳ Đại hội khóa XII; với thái độ quyết liệt, tinh thần nhìn thẳng vào sự thật trong đấu tranh khắc phục hạn chế, khuyết điểm của Trung ương; cùng với bước chuẩn bị kỹ càng, chắc chắn các đại biểu sẽ có những đóng góp giá trị, thống nhất vạch định ra những khâu đột phá đúng đắn trong lãnh đạo, tiến hành CTCB và xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng.
Theo Quân đội Nhân dân