Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Pác Nặm (Bắc Kạn): Hướng đi nào cho các hợp tác xã?

PV - 10:09, 27/08/2019

Tính đến nay, trên địa bàn huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) có 14 hợp tác xã (HTX), trong đó có cả HTX mới thành lập đầu năm 2019, thì có đến 4 HTX đang trong quá trình hoàn tất thủ tục giải thể. Tình trạng này đặt ra nhiều vấn đề cho các cấp, các ngành địa phương và những HTX còn lại trên địa bàn xung quanh việc cần có giải pháp, hướng đi mới...

Loay hoay tìm giải pháp tồn tại

Đến thăm HTX dịch vụ nông nghiệp Cao Tân là một trong những HTX đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục giải thể. Giám đốc HTX Ma Văn Sứ cho biết, HTX thành lập từ năm 2017 với 7 thành viên. Ngành nghề của HTX là nông nghiệp, xây dựng hỗn hợp nhưng hoạt động chủ yếu là trồng trọt cây ăn quả, các loại rau, nuôi gia súc, gia cầm… nhưng các hoạt động của HTX không hiệu quả.

“Chúng tôi tự làm, tự tìm đầu ra cho các sản phẩm. Bên cạnh đó, vừa thiếu vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, các thành viên cũng rất rệu rã nên mô hình hoạt động không phát huy được hiệu quả mà năm nào cũng phải đóng thuế nên chúng tôi quyết định giải thể quay về hình thức phát triển kinh tế hộ gia đình”, anh Sứ bộc bạch.

HTX nông nghiệp Bản Nghè đang trong quá trình hoàn tất thủ tục giải thể. HTX nông nghiệp Bản Nghè đang trong quá trình hoàn tất thủ tục giải thể.

Tương tự, HTX nông nghiệp Bản Nghè, xã Cổ Linh cũng đang trong tình trạng “hấp hối”. Đây là một trong những mô hình HTX đầu tiên được thành lập tại Pác Nặm, từng được kỳ vọng trở thành vùng chuyên canh rau sạch. Mặc dù, những năm trước, mô hình hoạt động khá hiệu quả, hướng đến sự phát triển để thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp, giải quyết công ăn việc làm cho người dân ngay tại địa phương. Nhưng sau gần 5 năm hoạt động, HTX nông nghiệp Bản Nghè vẫn không thể tồn tại do bộc lộ rõ rệt những yếu kém.

Anh Ma Văn Nam, Giám đốc HTX chia sẻ: “Thu nhập của các thành viên chỉ dựa vào trồng rau nên không đảm bảo. Nhiều ngành nghề khác như xuất khẩu lao động hấp dẫn hơn nên mọi người cứ bỏ dần. Hơn nữa, vấn đề tiếp cận vốn, cũng như tìm thị trường cũng khó khăn nên HTX của chúng tôi phải giải thể”.

Trên thực tế, hầu hết các HTX hiện tại ở Pác Nặm đều là những HTX nông nghiệp, hoặc HTX nông nghiệp, xây dựng hỗn hợp nhưng đều không phát huy hiệu quả, không có lãi. Đây thực sự là một câu chuyện buồn đối với kinh tế tập thể tại huyện vùng cao Pác Nặm hiện nay.

Vì sao nhiều HTX hoạt động không hiệu quả

Qua tìm hiểu, ngoài yếu tố khách quan do địa hình phức tạp, cơ sở hạ tầng khó khăn, thời tiết dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến bất thường, phải nhìn nhận thẳng thắn nguyên nhân dẫn đến sự kém hiệu quả trong các hoạt động của HTX ở Pác Nặm, đó là, nhiều HTX khi thành lập chỉ để hoàn thành tiêu chí NTM; hoặc thành lập với thành viên chủ yếu trong gia đình, dòng họ nên khó thu hút, mở rộng đầu tư. Việc liên kết giữa các hợp tác xã với hộ nông dân gặp rất khó khăn do tính ràng buộc pháp lý giữa hợp tác xã và nông dân không cao.

Ngoài ra, nhiều HTX chỉ thành lập nhưng chưa có tầm nhìn, chiến lược dài hạn, không xây dựng phương án tổ chức sản xuất. Nếu cứ sản xuất mà không quan tâm đến đầu ra, chuỗi giá trị thì hoạt động của HTX chỉ là hình thức mà không phát huy được năng lực nội tại... khiến nhiều HTX đang hoạt động cầm chừng hoặc bị giải thể.

Ông Lương Văn Huấn, Phó Chủ tịch xã Cổ Linh nói: “Bài học rút ra từ HTX nông nghiệp Bản Nghè là, nếu muốn duy trì hoạt động thì cần phải chú trọng đến chất lượng nguồn lực. Bài toán đầu ra cần được tính kỹ, chứ không thể sản xuất kiểu bị động như hiện nay. Chúng tôi cũng mong được hỗ trợ kịp thời về vốn để khuyến khích bà con tham gia HTX, thay đổi tư duy phát triển nông nghiệp theo hình thức này”.

Trao đổi về thực trạng này, bà Lê Thị Lương, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Pác Nặm cho biết, các HTX nông nghiệp trên địa bàn đa số được thành lập từ khi triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Do đó, nhận thức về HTX kiểu mới và Luật HTX của cán bộ quản lý các cấp, cán bộ HTX cũng như hầu hết xã viên chưa đầy đủ. Đội ngũ cán bộ quản lý của hầu hết HTX nông nghiệp hạn chế về trình độ, năng lực tổ chức quản lý, điều hành và nghiệp vụ chuyên môn.

Tình trạng những HTX hoạt động không hiệu quả đặt ra nhiều vấn đề bức thiết với các HTX còn lại trong việc tìm giải pháp, hướng đi mới cho phù hợp. Hiện nay, ngay trên chính địa bàn Pác Nặm, nhiều bà con cũng muốn xây dựng HTX để cùng nhau hoạt động, nhưng trình độ còn hạn chế và thiếu chiến lược dài hơi. Sẽ rất nguy hiểm nếu hoạt động của các HTX trở thành một phong trào rồi đi vào vết xe đổ của những HTX thất bại.

Phải làm sao để chứng minh hình thức hoạt động của HTX có nhiều ưu điểm vượt trội so với làm ăn riêng lẻ. Thực tế này phụ thuộc vào công tác định hướng, chỉ đạo, điều hành của các ủy, chính quyền và vai trò trách nhiệm tổ chức thực hiện của các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn.

Bài học rút ra từ HTX nông nghiệp Bản Nghè là, nếu muốn duy trì hoạt động thì cần phải chú trọng đến chất lượng nguồn lực. Bài toán đầu ra cần được tính kỹ, chứ không thể sản xuất kiểu bị động như hiện nay. Chúng tôi cũng mong được hỗ trợ kịp thời về vốn để khuyến khích bà con tham gia HTX, thay đổi tư duy phát triển nông nghiệp theo hình thức này” (Ông Lương Văn Huấn, Phó Chủ tịch xã Cổ Linh).

HỒNG PHÚC

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.