Người nông dân rộng lòng
Về Tắc Giồng, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), nơi có 87% dân số là đồng bào Khmer, hỏi ông Sáu Phấn, đầu phum đến cuối sóc, ai cũng biết. Người đàn ông 62 tuổi này, tên đầy đủ là Lâm Văn Phấn, bao đời gia đình đều sống bằng nghề nông. Rất mực chăm chỉ, lại sáng dạ, ông Sáu Phấn không chỉ là một nông dân thạo việc, nhiều kinh nghiệm, mà còn biết nghĩ khác người để làm giàu. Thế nên, khi được cha mẹ cho 6.000m2 đất, vốn chỉ trồng các loại rau đậu, chăm bón cầu kỳ, lại tốn thêm nguyên liệu tre, nứa làm giàn, ông quyết định chuyển sang trồng hẹ. Hẹ hợp đất, hợp người, khảo sát thị trường thì nhu cầu tiêu thụ cũng khá nhiều nên bán được giá. “Nhờ cây hẹ mà tôi và bà con ở đây thoát nghèo”, ông Phấn cho hay.
Tiền lời từ cây hẹ, ông dành mua đất, nhân rộng diện tích, nên đến nay ông đã có tổng cộng 7ha đất, trồng hẹ và lúa, cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Mát tay, trồng cây gì, hiệu quả cây đó, ông Sáu Phấn được bà con cảm phục, thường tới học hỏi kinh nghiệm và nhờ tư vấn làm ăn. Vốn xởi lởi, dễ gần, tình nghĩa với bà con phum, sóc, ông không giữ bí quyết làm giàu cho riêng mình, mà sẵn lòng san sẻ kinh nghiệm. Nhiều lần, ông còn trực tiếp hướng dẫn bà con khoanh bờ, chọn giống, chăm bón.
Sự rộng lòng của ông đã giúp nhiều hộ trong phum không chỉ thoát nghèo mà còn khấm khá. Sự yêu mến, kính trọng, hay nói cách khác: Uy tín của ông Sáu Phấn mà bà con dành cho ông, bắt đầu từ những việc nghĩa tình, cụ thể như thế.
Ngoài vai trò của Người có uy tín, ông Sáu Phấn còn đảm nhận nhiệm vụ cố vấn cho tổ hợp tác trồng hoa màu trong ấp mới thành lập, gồm 8 thành viên, tổng diện tích sản xuất khoảng 1,3ha. Ông còn làm tổ trưởng tổ Hợp tác trồng lúa ấp Tắc Gồng, với 16 thành viên, tổng diện tích sản xuất tới 20ha.
Ông Sáu Phấn nhẩm tính, riêng hẹ mỗi năm thu hoạch 2 - 3 đợt, doanh thu khoảng 200 triệu đồng, trừ hết chi phí sản xuất và tiền thuê nhân công thì còn khoảng 100 triệu đồng. Hẹ là loại rau dễ trồng, ít bệnh, chỉ cần làm đất giồng cao, có khoảng cách 4 hàng trên 1,1m, sau 2,5 tháng là có thể thu hoạch dần, sau đó thu hoạch liên tiếp đến 24 tháng sau, cả lá và bông, thị trường đều có nhu cầu khá lớn”.
Về trồng lúa, do vùng này thiếu nước tưới, chỉ thích hợp làm hai vụ lúa; thổ nhưỡng hợp giống OM 6976 và Hàm Trâu vốn chịu được hạn, năng suất khá, gạo lại ngon, bán chạy trên thị trường…
Nêu cao vai trò Người có uy tín
Trong căn chòi lá, chỉ tay về ruộng hẹ xanh rì, ông Sáu Phấn vẻ mặt hứng khởi nói, từ nay đến Tết, tiền thu hoạch được từ vụ hẹ này tôi sẽ mua quà cho hộ khó khăn đón Tết. Bà con mình đều rất mực chịu khó, đâu ai muốn nghèo. Nhưng hạn hán và dịch bệnh năm nay khiến nhiều hộ lâm vào khó khăn. Cùng phum, sóc, thương nhau, quý nhau, hỗ trợ nhau thể hiện đậm đà nhất trong những dịp này.
Ông Tăng Trung Bảo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tham Đôn nói về ông Sáu Phấn một cách kính trọng và hàm ơn: Suốt thời gian qua, tiền lời kiếm được từ trồng hoa màu, ngoài chi tiêu trong gia đình, ông Sáu Phấn dành để làm từ thiện. Không đủ thì ông vận động người thân, nhà hảo tâm, đến nay, ông Sáu Phấn cũng đã đóng góp và huy động được 2,2 tỷ đồng, để xây mới và sửa chữa 4 cây cầu, 3 tuyến đường vành đai giao thông nông thôn; xây mới 2 nhà nghỉ mát cho nông dân đi làm đồng, nghỉ trưa; hỗ trợ gạo cho bà con trong các dịp lễ, Tết…
Đặc biệt, ông đã thành lập tổ tự quản ấp Tắc Giồng, nhờ các hoạt động tích cực của tổ, trên địa bàn không còn tình trạng trộm cắp tài sản, tình hình an ninh trật tự luôn ổn định.
Ngoài vật chất, ông Sáu Phấn còn tích cực đóng góp ngày công lao động xây dựng các công trình ở địa phương, như trồng hoa, xây dựng cột cờ, cổng rào và cải tạo nhà ở xanh, sạch, đẹp… Cũng trong vai trò Người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer, ông Sáu Phấn phối hợp chặt chẽ các đoàn thể thực hiện các chính sách hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất cho hộ khó khăn, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt...
Trong 15 năm qua, ông thường xuyên vận động Nhân dân quyên góp tiền giúp đỡ cho những người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật; vận động, giúp đỡ thường xuyên 25 người với số gạo 30kg/người/tháng, với tổng giá trị đến thời điểm này là hơn 1,6 tỷ đồng, góp phần đáng kể tăng thu nhập cho hộ dân trên địa bàn xã.
Thành quả quan trọng nhất đạt được, sau những năm tháng ông Sáu Phấn tham gia hoạt động ở địa bàn, trong vai trò Người có uy tín là xã Tham Đôn đã đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 9/2018./.
Bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường Trực Tỉnh ủy: Từ năm 2018 đến nay, ông Lâm Văn Phấn được nhận nhiều phần thưởng của các cấp, các ngành vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện các nhiệm vụ. Đặc biệt, là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.