Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Ông Ksor Phước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: Thành tựu quan trọng của công tác dân tộc là bình đẳng dân tộc ngày càng được tăng cường, đại đoàn kết dân tộc ngày càng được nâng cao

Lê Hường - 07:12, 02/05/2021

Từng giữ cương vị là Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Ksor Phước đã có nhiều đóng góp quan trọng trong lĩnh vực công tác dân tộc. Nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, vị lãnh đạo lão thành này đã có cuộc trao đổi với Báo Dân tộc và Phát triển những cảm nhận về thành tựu trong công tác dân tộc; gửi gắm niềm tin, hy vọng đến đội ngũ những người làm công tác dân tộc hôm nay...

Nguyên Bộ trưởng Ksor Phước thăm đồng bào DTTS trên đỉnh Pờ Yầu, xã Lơ Bang, huyện Mang Yang (Gia Lai).
Nguyên Bộ trưởng Ksor Phước thăm đồng bào DTTS trên đỉnh Pờ Yầu, xã Lơ Bang, huyện Mang Yang (Gia Lai).

Thưa ông, là người đã từng giữ cương vị Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT, sau đó là Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, và bây giờ, ông lại trở về với cuộc sống đời thường, với đồng bào của mình; Ông có thể đánh giá một cách khái quát về vai trò, tầm quan trọng của hệ thống các cơ quan làm công tác dân tộc trong quá trình phát triển đất nước nói chung, phát triển vùng DTTS và miền núi nói riêng?

Phải khẳng định rằng, cơ quan làm công tác dân tộc có vai trò, tầm quan trọng rất lớn trong sự phát triển chung của đất nước và đặc biệt là trong vùng DTTS và miền núi. Từ một Nha Dân tộc thuộc Bộ Nội vụ trở thành một cơ quan ngang bộ là Ủy ban Dân tộc, điều đó chứng tỏ công tác dân tộc được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Với chức năng tham mưu cho Chính phủ quyết định các chính sách dân tộc, UBDT không chỉ tham gia xây dựng chính sách mà phối hợp cùng nhiều bộ, ngành trực tiếp thực hiện chính sách và giúp Chính phủ kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện chính sách dân tộc.

Chúng ta cần phải hiểu đúng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan làm công tác dân tộc, xác định đối tượng phục vụ của UBDT chính là 53 DTTS, địa bàn hoạt động là vùng DTTS. Những năm qua, cơ quan làm công tác dân tộc đã làm tốt việc nắm tình hình, diễn biến trong vùng DTTS; tuyên truyền phổ biến chính sách, vận động đồng bào DTTS thực hiện đúng pháp luật. Nhờ đó, vùng đồng bào DTTS bây giờ đã có nhiều thay đổi về cơ sở hạ tầng, đời sống và cả tư duy, nhận thức của người dân.

Lĩnh vực công tác dân tộc, triển khai thực hiện chính sách dân tộc theo từng giai đoạn đều có những thành tựu và ghi dấu ấn khó phai mờ. Theo ông, những thành tựu nào là quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển vùng DTTS và miền núi?

Trong 75 năm qua ngành dân tộc đã làm được nhiều việc lớn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nổi bật, tạo nền tảng phát triển lâu dài cho các DTTS nói riêng và đoàn kết các dân tộc Việt Nam nói chung. Thành tựu quan trọng nhất phải kể đến là tất cả các dân tộc Việt Nam đã được giải phóng. Bình đẳng dân tộc ngày càng được tăng cường, tinh thần đại đoàn kết dân tộc được nâng cao và ngày càng sâu sắc, các dân tộc yêu thương, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Tôi phải khẳng định rằng, chúng ta đã thành công với cuộc cách mạng vĩ đại là làm thay đổi tư duy sản xuất, nếp sinh hoạt của đồng bào DTTS. Họ biết chuyển từ kinh tế tự cung, tự cấp sang kinh tế hàng hóa, bắt nhịp với thị trường, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, hàng hóa.

Với các chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực không mệt mỏi của ngành công tác dân tộc, cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng dân tộc được đầu tư rất cơ bản, khang trang. Hàng nghìn xã, thôn bản đồng bào DTTS ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn 135, hàng trăm xã, thôn bản đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ giảm nghèo trong vùng DTTS rất ấn tượng, nếu như năm 2002 tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS là hơn 60% thì năm 2019 đã giảm còn hơn 22%.

Giáo dục đào tạo, đời sống văn hóa, chăm sóc sức khỏe trong vùng đồng bào DTTS được quan tâm sâu sắc. Chúng ta cơ bản xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, tỷ lệ học sinh THCS, THPT và cao đẳng, đại học trong vùng DTTS ngày càng cao. Các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS được gìn giữ, công tác sưu tầm, bảo tồn văn hóa truyền thống được quan tâm, phục dựng. Tỷ lệ xã có trạm y tế, trạm y tế có bác sĩ, trạm y tế đạt chuẩn, thôn buôn có cán bộ y tế ngày càng nhiều. Các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như phong, lao, sốt rét… được đẩy lùi, tuổi thọ trung bình của đồng bào các dân tộc ngày một cao.

Hệ thống chính trị vùng DTTS không ngừng được củng cố, trong sạch, vững mạnh, thích ứng với nhiệm vụ chính trị từng thời kỳ phục vụ đồng bào các dân tộc tốt hơn. Tình hình an ninh chính trị trong vùng DTTS ngày càng ổn định, các dân tộc đoàn kết gắn bó với nhau, cùng nhau giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Khi trở về với cuộc sống đời thường, có lẽ ông có nhiều thời gian hơn để gần gũi với người dân, với đồng bào của mình; Ông có thể chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của người dân về lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc mà ông có điều kiện cảm nhận, nắm bắt được?

Nghỉ hưu về với đời thường, tôi vẫn đi thăm quan các tỉnh phía Bắc, Tây Nam Bộ, và rất nhiều tỉnh đông đồng bào DTTS trên khắp cả nước. Đâu đâu tôi cũng thấy đồng bào vui vẻ, phấn khởi, đời sống kinh tế - xã hội vùng DTTS được nâng lên. Tôi cảm nhận rõ bà con tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, vai trò của Nhà nước đối với vấn đề dân tộc.

Những thành tựu trong công tác dân tộc chúng ta đã đạt được trong 75 năm là rất to lớn. Tuy nhiên, thực tế vùng DTTS vẫn còn những khó khăn nhất định. Đồng bào mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng DTTS, quan tâm công tác xóa đói giảm nghèo giúp đồng bào có đời sống ngày càng tốt hơn. Để làm được điều đó, chúng ta cần thực hiện cuộc cách mạng mạnh mẽ hơn nữa, tác động sâu vào vùng DTTS, phát triển kinh tế hàng hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển trong vùng DTTS.

Là một người có nhiều đóng góp to lớn trong lĩnh vực công tác dân tộc, trong sự phát triển vùng DTTS, miền núi; Ông có gửi gắm gì đến những người làm công tác dân tộc hôm nay?

Thế hệ chúng tôi đã làm thay đổi phần nào tư duy nhận thức, đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, các thế hệ làm công tác dân tộc sau này càng phải làm tốt hơn. Lãnh đạo, cán bộ làm công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương phát huy truyền thống, chủ động tích cực làm tốt hơn chức năng của ngành dân tộc. Người làm công tác dân tộc phải có tư tưởng đúng đắn, giữ vững lập trường, tư tưởng chính trị, phải tâm huyết, trách nhiệm, thương yêu đồng bào, luôn năng động, sáng tạo hòa nhập với cuộc sống để tìm ra cách làm thích hợp với thực tế; tránh cục bộ dân tộc, cục bộ địa phương, khắc phục tư tưởng tự ti dân tộc.

Cán bộ làm công tác dân tộc phải gương mẫu, bám sát đời sống đồng bào, dám đối mặt thực tiễn, thẳng thắn, trung thực, thật thà, mạnh dạn phản ánh đến lãnh đạo. Tôi tin tưởng rằng, đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc thế hệ sau bao giờ cũng làm tốt hơn thế hệ trước.

Trân trọng cảm ơn nguyên Bộ trưởng, kính chúc Ông và gia đình dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, an khang!

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Ngày 30/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đăk Hà (Kon Tum) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8 năm 2024, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719).